|
Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Bình Dương (Ban chỉ đạo 127) vừa tổng kết công tác năm 2012, cho biết lực lượng kiểm tra liên ngành (công an, quản lý thị trường, y tế…) đã kiểm tra 22.790 vụ việc, phát hiện 10.144 vụ vi phạm (tăng 58 vụ so với cùng kỳ). Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý 5.959 vụ, với tổng số tiền phạt, truy thu và giá trị hàng hóa tịch thu có giá trị sử dụng là 400 tỉ đồng (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ). Trong đó, lực lượng liên ngành đã xử lý 226 vụ buôn lậu, 17 vụ sản xuất buôn bán hàng giả, 5.869 vụ gian lận thương mại. Đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy hành vi vi phạm phổ biến của những đối tượng vi phạm là tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu như: thuốc lá ngoại, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực… Đối tượng vi phạm rất đa dạng, bên cạnh những cá nhân, hộ kinh doanh còn có cả những doanh nghiệp, công ty… Đáng lưu ý, số lượng thuốc lá lậu ngoại nhập tăng cao so với những năm trước. Ban chỉ đạo 127 nhận định, một số vụ vi phạm có dấu hiệu phải xử lý hình sự.
Gian lận thương mại diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của cơ quan chức năng Bình Dương, tình hình gian lận thương mại trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện có quy mô lớn, tính chất nguy hiểm. Hành vi gian lận phổ biến, đó là giả mạo giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan để nhập khẩu hàng hóa nhằm gian lận và trốn thuế. Một số đối tượng còn lợi dụng chính sách thuế suất ưu đãi để nhập dư số lượng nguyên liệu được phép tạm nhập, sau đó tìm mọi cách tuồn ra thị trường nội địa để bán. Các đối tượng vi phạm chủ yếu lợi dụng ban đêm, những ngày nghỉ để vận chuyển nguyên phụ liệu tạm nhập và những hàng hóa xuất khẩu như quần áo, vải vóc, nhưng thực chất là đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, những loại hàng hóa này còn được vận chuyển theo dạng hàng phế phẩm, ve chai nhằm “che mắt” cơ quan chức năng để đưa ra ngoài.
Một trong những vấn đề gian lận thương mại làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng và được nhiều người dân quan tâm, đó là mặt hàng xăng dầu và gas. Với mặt hàng gas (chủ yếu là bình gas mi-ni) được sang chiết ở Bình Dương khá nhiều và gây ra nhiều vụ nổ khí gas đáng tiếc làm chết nhiều người. Việc sang chiết gas trái phép đa số được thực hiện ở những khu đất trống hoặc trong những khu nhà trọ và sang chiết đến đâu đưa đi tiêu thụ đến đó. Đối với mặt hàng xăng dầu, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều vụ vi phạm về đo lường. Các cây xăng vi phạm sử dụng mật mã, tác động vào bảng điều khiển điện tử để làm sai số khi bơm xăng, dầu. Trong năm 2012, Tổ kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã phát hiện nhiều vụ vi phạm xăng dầu như trên, có sai số thấp nhất là 2%. Như vậy, mỗi lít xăng dầu mà các cây xăng vi phạm bán ra đã “móc túi” của người tiêu dùng ít nhất 400 đồng/lít. Có trường hợp, người tiêu dùng bị “móc túi” đến 2.000 đồng/lít xăng dầu, tương ứng với mức sai số khi bơm là 9,88%.
Ông Trần Thanh Liêm- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (Trưởng ban Chỉ đạo 127) yêu cầu lực lượng công an chủ động phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường trinh sát, điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất hành giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Các mặt hàng cần được tập trung xử lý vi phạm là xăng dầu, gas, rượu bia…
Tuệ Phương
Bình luận (0)