Phát hiện sớm tinh hoàn ẩn ở bé để kịp thời điều trị

Lê Cầm
Lê Cầm
17/09/2024 15:50 GMT+7

Bé N.V.L (13 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang) đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì mẹ không thấy tinh hoàn trong bìu trái của bé.

Khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết, khi tình cờ tắm rửa thì phát hiện bìu trái của bé trống nên đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Bé được bác sĩ chẩn đoán tinh hoàn ẩn bên trái và có chỉ định phẫu thuật đưa tinh hoàn về đúng vị trí.

Bé được phẫu thuật và xuất viện về trong ngày tại Khoa Phẫu thuật trong ngày Bệnh viện nhi đồng 2, các lần tái khám sau đó đều ghi nhận tinh hoàn trái nằm đúng vị trí và phát triển bình thường.

Ngày 17.9, tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết tinh hoàn ẩn (hay còn gọi là cryptorchidism) là tình trạng một hoặc cả hai tinh hoàn không xuống được bìu sau khi sinh. Thông thường, tinh hoàn di chuyển từ ổ bụng xuống bìu trong quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, ở một số trẻ, quá trình này bị gián đoạn, dẫn đến tinh hoàn nằm ở vị trí bất thường như ống bẹn hoặc ổ bụng

Khi thăm khám các bác sĩ sẽ kiểm tra bìu để xác định xem có tinh hoàn hay không. Nếu không sờ thấy tinh hoàn, bác sĩ có thể khám thêm vùng bẹn để tìm kiếm. Trong một số trường hợp, siêu âm có thể được sử dụng để xác định vị trí của tinh hoàn ẩn.

Tinh hoàn có thể tự xuống bìu trong vài tháng đầu sau sinh nhất là 6 tháng đầu, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng của trẻ và đánh giá lại sau 6 tháng, tối đa là 1 năm.

Phát hiện sớm tinh hoàn ẩn ở bé để kịp thời điều trị- Ảnh 1.

Các bác sĩ trong một ca can thiệp cho bệnh nhi

Ảnh: B.V

Điều trị tinh hoàn ẩn

Theo bác sĩ Thạch, các phương pháp điều trị với tinh hoàn ẩn bao gồm:

Điều trị nội tiết: Hormone gonadotropin chorionic (hCG) có thể được sử dụng để kích thích tinh hoàn xuống bìu. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Về phẫu thuật: Phẫu thuật hạ tinh hoàn (orchiopexy) là phương pháp điều trị chính cho tinh hoàn ẩn. Phẫu thuật này thường được thực hiện khi trẻ được 6-12 tháng tuổi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định nó vào vị trí thích hợp.

Về nội soi ổ bụng: Được chỉ định trong trường hợp thăm khám không tìm thấy tinh hoàn. Nội soi ổ bụng có thể xác định vị trí chính xác của tinh hoàn trong ổ bụng và đem tinh hoàn xuống bìu.

"Tinh hoàn ẩn là một tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ em. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng như vô sinh, ung thư tinh hoàn và xoắn tinh hoàn. Nếu bạn nghi ngờ con mình bị tinh hoàn ẩn, hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn", bác sĩ Thạch khuyến cáo.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.