Khai thác cổ vật bằng… xà beng
Địa điểm con tàu cổ đắm chỉ cách bờ biển khoảng hơn 100 m, độ sâu khoảng 1,5 m và cách con tàu cổ đắm phát hiện vào tháng 9.2012 mà các cơ quan chức năng đã khai quật, trục vớt được hơn 4.000 cổ vật gốm sứ thế kỷ 13, chừng 100 m về hướng tây.
Sau khi nghe thông tin phát hiện tàu cổ đắm, dù trong đêm khuya nhưng nhiều người dân xã Bình Châu lập tức kéo ra biển lặn tìm cổ vật. Một số ngư dân mệt nhoài sau chuyến ra khơi trở về trong đêm nhưng nghe cổ vật cũng đưa tàu cá chạy đến lặn tìm.
|
Tại hiện trường con tàu cổ đắm, khoảng 20 - 30 tàu cá lớn, nhỏ và thuyền thúng chen lấn nhau trên diện tích mặt nước biển chừng vài chục mét vuông. Ngư dân nào “nhanh chân” hơn thì tàu cá của mình xí phần đứng ở chỗ “đẹp” nhất - ngay chính giữa địa điểm tàu cổ chìm, còn đến sau thì đành ở vòng ngoài đưa ống thổi cát, dây lặn vào nơi tàu cổ đắm. Ống thổi cát, dây lặn của tàu này quấn vào tàu kia như một mớ bòng bong. Trên tàu người thì cầm dây lặn, dưới đáy biển những ngư dân lặn mò, giành giật cổ vật.
Tiếng la hét, tiếng máy hút thổi cát vang ầm ầm làm cả vùng biển thôn Châu Thuận Biển đang yên ắng trở nên náo loạn với khung cảnh hỗn độn từ khuya đến sáng. Mạnh ai nấy làm, tranh giành nhau từng mét vuông dưới đáy biển lặn tìm cổ vật, thậm chí nhiều người còn dùng búa, xà beng để nạy, đập cổ vật dính chùm với nhau để lấy cho nhanh. Do vậy, hàng loạt cổ vật như đĩa, chén, bát còn nguyên đã bị bể nát.
Ngoi lên dưới đáy biển rồi bước lên tàu cá đứng nhìn xuống, ngư dân Nguyễn Văn Thịnh lắc đầu: “Cổ vật dưới tàu nhiều lắm nhưng phần ai nấy tranh giành, đập phá nên nằm bể sắp lớp ở dưới đó. Nhìn thấy tiếc quá chừng!”.
Cũng theo ngư dân Thịnh, sau khi nhiều tàu cá hút thổi cát, be tàu gỗ đã lộ diện, gỗ tàu cổ còn mới.
|
|
Cổ vật thế kỷ 16, 17
Như vậy trong vòng chưa đầy 1 năm qua, tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, ngư dân địa phương đã phát hiện được 2 tàu cổ đắm. Cả 2 lần phát hiện tàu cổ đắm, vùng biển này đều tái diễn tình trạng lặn tìm, khai thác cổ vật theo kiểu chụp giật. Tuy nhiên, nếu như năm 2012 xảy ra tình trạng đập phá, lật xe cảnh sát, dùng đá tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều chiến sĩ bị thương thì lần này những ngư dân lặn tìm cổ vật tỏ vẻ “nhún nhường” hơn. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khi các cơ quan chức năng tăng cường phương tiện, lực lượng bộ đội biên phòng, công an, dân quân với gần 30 cán bộ, chiến sĩ ra biển can thiệp, kêu gọi ngư dân giải tán, không được khai thác cổ vật trái phép thì đến khoảng 8 giờ 30 sáng 16.8, trật tự tại hiện trường khu vực tàu cổ đắm dần được vãn hồi.
Nhìn những cổ vật bị bể mà các cơ quan chức năng thu giữ của ngư dân lặn tìm trái phép, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, đưa ra nhận định ban đầu: “Đây là những cổ vật gốm sứ thuộc thế kỷ 16 - 17, hoa văn rất tinh xảo nhưng khác hoàn toàn với đồ gốm sứ thế kỷ 13 trên con tàu đắm ở Bình Châu mới vừa khai quật, trục vớt xong”.
Ở cuộc họp “nóng” ngay tại hiện trường vào sáng 16.8, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, đề nghị Bảo tàng Quảng Ngãi nhanh chóng khoanh vùng, cắm mốc bằng phao, cờ khu vực tàu cổ đắm; bộ đội biên phòng và công an cử lực lượng canh giữ 24/24 giờ, tuyệt đối không cho ngư dân vào khu vực tàu cổ đắm; giao Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương dùng những tấm lưới sắt phủ lên trên để bảo vệ tạm thời con tàu cổ đắm; chính quyền xã Bình Châu tiếp tục vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn di sản văn hóa dưới nước.
“Muốn khai quật con tàu cổ đắm này, các cơ quan chức năng phải thăm dò, khảo sát, lập phương án thật cụ thể, làm theo đúng trình tự khai quật khảo cổ học dưới nước. Tuy nhiên, trước mắt cần bảo vệ an toàn con tàu cổ đắm, không để tái diễn tình trạng người dân náo loạn vùng biển vì cổ vật, gây mất an ninh trật tự như năm ngoái”, TS Vũ nói.
Cũng theo TS Vũ, trong lúc khai quật, trục vớt cổ vật từ con tàu đắm được phát hiện vào tháng 9.2012, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều cổ vật từ các con tàu cổ đắm khác trôi dạt vào. Điều này chứng tỏ khu vực vùng biển Bình Châu có rất nhiều tàu cổ bị đắm có quốc tịch, hàng hóa, niên đại khác nhau. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương được tiếp tục mở rộng phạm vi thăm dò, khảo sát, tìm kiếm tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu; công ty phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lập phương án thăm dò, khảo cổ tại vùng biển này để trình lên Bộ VH-TT-DL.
Hiển Cừ
>> Phát hiện thêm nhiều cổ vật quanh con tàu đắm
>> Tàu đắm cổ nhất Việt Nam
>> Trục vớt tàu đắm, 4 công nhân hít phải khí độc tử vong
>> Cận cảnh khai quật gần 40.000 cổ vật trong con tàu đắm
>> Chia cổ vật trong con tàu đắm
>> Đưa xác tàu đắm ra khỏi cửa Lạch Hới
>> Khẩn trương khai quật cổ vật trên tàu đắm
>> Khai quật cổ vật trên con tàu đắm
Bình luận (0)