Phát hiện thú vị về đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần

24/02/2023 15:08 GMT+7

Trước tiên phải khẳng định, hôm nay chúng ta may mắn được chiêm ngưỡng đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần là nhờ bạn trẻ Thác Gia Trang đã bỏ nhiều thời gian, công sức để "sục sạo" vào trang EFEO của Pháp, để thông tin nhanh đến những người yêu cổ vật Việt Nam.

Về đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần, điều quý nhất ở đây là bạn trẻ Thác Gia Trang đã chia sẻ đến mọi người bằng cách đăng lên trang của mình cùng với nhận định đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần và chiếc mũ trên đầu tượng là loại Tiến Hiền (Lương Quan).

Phát hiện thú vị về đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần - Ảnh 1.

Theo thông tin của EFEO cho biết, đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần của Việt Nam bằng gốm, được tìm thấy ở Kim Mã, Quần Ngựa (thuộc Hà Nội)

Nguồn EFEO

Theo thông tin của EFEO cho biết, đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần của Việt Nam bằng gốm, được tìm thấy ở Kim Mã, Quần Ngựa (thuộc Hà Nội). Không biết hiện nay đầu tượng này có được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lưu giữ không. Qua xem xét cho thấy, về niên đại và chiếc mũ tôi cũng cùng quan điểm với bạn trẻ nêu trên.

Nhìn chung, đây là đầu tượng rất quý, phản ánh rất trung thực về mũ ở thời kỳ này, bởi nó rất khớp với sử sách đã ghi Vua Lê Ngọa Triều (1005-1009) sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống (theo Đại Việt sử ký toàn thư. NXB. KHXH, tập 1, tr 234).

Tuy nhiên, về trang trí trên chiếc mũ này vẫn mang một sắc thái riêng của Đại Việt, đó là hình mặt trời trên trán mũ, một biểu tượng vương quyền rất đặc trưng của Việt Nam được bắt nguồn từ văn hóa Đông Sơn. Đồng thời đây còn là đồ án trang trí trên mũ được biết đến sớm nhất ở nước ta.

Ngoài ra đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần còn có một điều rất thú vị, đó là trên trán còn cho thấy một hình giống như một vành trăng khuyết mà bất cứ ai xem cũng sẽ liên tưởng đến nhân vật Bao Công của Trung Hoa.

Phát hiện thú vị về đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần - Ảnh 2.

Về trang trí trên chiếc mũ này vẫn mang một sắc thái riêng của Đại Việt, đó là mặt trời trên trán mũ, một biểu tượng vương quyền rất đặc trưng của Việt Nam được bắt nguồn từ văn hóa Đông Sơn

Nguồn EFEO

Nếu đúng như vậy thì ở đây lại còn cho thấy một góc độ mới trong đời sống xã hội và văn hóa cung đình ở thời kỳ này mà chúng ta cần nghiên cứu.

Dù sao đây cũng chỉ là những nhận định ban đầu, mong có nhiều bậc cao nhân cùng cho ý kiến về đầu tượng có niên đại thời Lý – Trần này thêm để có nhiều thông tin bổ ích hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.