Một con thú lông nhím mỏ dài Attenborough, loài vật được đặt theo tên của nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough, được chụp ảnh lại bằng camera đường mòn vào ngày cuối cùng của chuyến thám hiểm kéo dài 4 tuần do các nhà khoa học của Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu, theo Reuters.
Sau khi xuống núi vào cuối chuyến đi, nhà sinh vật học James Kempton đã tìm thấy hình ảnh sinh vật nhỏ bé đang đi xuyên qua khu rừng rậm rạp, trên tấm thẻ nhớ cuối cùng trong số thẻ được lấy ra từ hơn 80 camera.
"Tôi cảm thấy vô cùng phấn khích và cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi trải qua một thời gian dài trên thực địa mà không nhận được phần thưởng nào cho đến tận ngày cuối cùng", ông Kempton nói.
"Tôi hét lên với những đồng nghiệp vẫn còn nán lại... và nói 'chúng ta đã tìm thấy nó, chúng ta đã tìm thấy nó'. Tôi chạy từ bàn làm việc của mình vào phòng khách và ôm lấy mọi người", ông Kempton mô tả lại khoảnh khắc ông lần đầu phát hiện ảnh chụp con vật cùng các cộng tác viên từ nhóm bảo tồn YAPPENDA của Indonesia.
Họ Echidna (danh pháp khoa học: Tachyglossidae) gồm những loài động vật có vú gọi là thú lông nhím, đôi khi còn được gọi là thú ăn kiến có gai, trong bộ Đơn huyệt (Monotremata). Bốn loài thú lông nhím còn tồn tại và loài thú mỏ vịt là những động vật có vú duy nhất đẻ trứng. Echidna cũng là tên một sinh vật nửa phụ nữ, nửa rắn trong thần thoại Hy Lạp và loài này được nhóm nghiên cứu mô tả là những sinh vật sống trong hang về đêm, nhút nhát và nổi tiếng là khó tìm.
"Lý do nó có vẻ không giống các loài động vật có vú khác là vì nó là thành viên của bộ Đơn huyệt - một nhóm đẻ trứng tách ra khỏi phần còn lại của lớp động vật có vú khoảng 200 triệu năm trước", ông Kempton cho hay.
Loài này mới chỉ được ghi nhận một lần trong tài liệu khoa học trước đây bởi một nhà thực vật học người Hà Lan vào năm 1961. Một loài thú lông nhím khác được tìm thấy trên khắp nước Úc và vùng đất thấp New Guinea.
Nhóm của ông Kempton đã vượt qua một trận động đất, bệnh sốt rét và thậm chí là chuyện bị một con đỉa bám vào nhãn cầu trong chuyến thám hiểm của họ. Họ làm việc với ngôi làng địa phương Yongsu Sapari để định hướng và khám phá vùng đất xa xôi ở phía đông bắc Papua.
Theo các trưởng lão ở làng Yongsu Sapari, thú lông nhím đã gắn liền với văn hóa địa phương, trong đó có truyền thống rằng xung đột được giải quyết bằng cách cử một bên vào rừng để tìm kiếm loài động vật có vú này và một bên khác ra biển để tìm cá marlin.
Cả hai loài vật đều được coi là khó tìm đến mức thường phải mất hàng thập niên hoặc cả thế hệ để xác định vị trí của chúng, nhưng một khi được tìm thấy, những con vật này tượng trưng cho việc chấm dứt xung đột và quay trở lại mối quan hệ hữu hảo.
Bình luận (0)