Những bức ảnh và video về cá thể thú mỏ vịt đặc biệt này đã được công bố trên một tạp chí khoa học sau khi các nhà nghiên cứu nhiều lần bắt gặp nó trong vòng hai năm qua, theo tường thuật của báo The Guardian ngày 2.11.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Lou Streeting của Đại học New England (UNE) ở Úc lần đầu tiên phát hiện con thú mỏ vịt bí ẩn vào đầu năm 2021, khi cô đang tìm kiếm loài rùa Myuchelys bellii (danh pháp khoa học) có nguy cơ tuyệt chủng trên một dòng suối ở vùng Bắc Tablelands thuộc bang New South Wales (Úc).
Cô đã nhìn thấy con thú mỏ vịt này nhiều lần kể từ đó, lần gần nhất là cách đây ba tháng, cho thấy nó dường như thiếu khả năng ngụy trang.
Thú mỏ vịt màu trắng đã từng được ghi nhận trong quá khứ, nhưng cá thể mới được công bố có một điểm khác biệt. Nó không phải là động vật bạch tạng (albino) vì chỉ một phần cơ thể của nó bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hắc tố (melanin) - sắc tố tạo màu cho lông, da và mắt.
"Nó vẫn có sắc tố. Nó có mỏ màu đen, bàn chân màu đen và một chút màu ở đuôi. Vì vậy chúng tôi cho rằng đó là một con thú mỏ vịt mắc chứng bạch thể (leucism)", cô Streeting cho hay.
Đây có thể là cá thể thú mỏ vịt bạch thể đầu tiên được giới khoa học ghi nhận.
"Việc tìm kiếm từ tài liệu khoa học, báo chí và cơ sở dữ liệu đã mang đến cho chúng tôi 12 hồ sơ khác nhau về thú mỏ vịt bạch tạng hoặc thú mỏ vịt có màu trắng không điển hình, với trường hợp đầu tiên xuất hiện từ năm 1835. Phát hiện lần này của chúng tôi có thể là hồ sơ duy nhất được biết đến về thú mỏ vịt bạch thể", cô Streeting nói.
Tổ chức Bảo tồn Úc cho biết số lượng thú mỏ vịt - loài thú đẻ trứng, có tuyến sữa nhưng không có núm vú (dù vẫn thuộc lớp động vật hữu nhũ) - đang suy giảm, với khoảng 1/4 diện tích môi trường sống của chúng đã biến mất trong vòng 30 năm qua.
Bình luận (0)