Viên ngọc trai tự nhiên lâu đời nhất thế giới được phát hiện trong cuộc khai quật ở đảo Marawah, ngoài khơi thủ đô Abu Dhabi của UAE, theo đài DW (Đức).
Ông Abdulla Khalfan Al-Kaabi, giám đốc của đơn vị khảo cổ học thuộc Sở Văn hóa-Du lịch Abu Dhabi cho biết: "Viên ngọc trai 8.000 tuổi nằm trong tàn tích của một khu định cư trên đảo Marawah. Đây có thể là bằng chứng về thương mại trong giai đoạn cuối của Thời kỳ đồ đá".
Ngoài ra, các nhà khảo còn phát hiện đồ gốm và mũi tên, đồng thời cho rằng viên ngọc trai có thể được dùng để trao đổi hàng hóa trong nền văn minh cổ đại Lưỡng Hà.
Lưỡng Hà còn là tên gọi của một vùng lãnh thổ lịch sử nằm dọc theo sông Tigris và Euphrates, ngày nay là một phần lãnh thổ bao gồm Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ cùng tây nam Iran.
Trong thế kỷ 19 và đầu 20, UAE bị đô hộ và ngọc trai là một phần quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, kể từ khi nghề nuôi trai lấy ngọc hình thành ở Nhật Bản hồi cuối thập niên 1920, giá ngọc trai sụt giảm đáng kể.
Viên ngọc trai ở đảo Marawah sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm "10.000 năm xa xỉ" sắp tới tại viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi.
Bình luận (0)