Các nhà khoa học từ Đại học Oxford và Đại học Birmingham ở Anh đã có khám phá bất ngờ tại một mỏ đá ở Oxfordshire, miền trung nước Anh sau khi một công nhân tình cờ phát hiện ra "những vết lồi lõm bất thường" khi đang đào đất sét bằng máy đào cơ khí. Sau khi giám định, nhóm nghiên cứu đã xác nhận đây là dấu chân khủng long.
Đội ngũ gồm 100 người sau đó đã khai quật được khoảng 200 dấu chân tạo thành 5 đoạn đường được coi là "xa lộ khủng long", với đoạn dài nhất là 150 m. Bốn trong 5 đoạn đường được cho là dấu chân của loài khủng long cổ dài cetiosaurus, trong khi đoạn còn lại thuộc về loài khủng long ăn thịt dài 9 m megalosaurus, tờ Le Monde đưa tin.
Các dấu chân khủng long được khai quật có niên đại 166 triệu năm trước, được cho là một trong những phát hiện liên quan khủng long lớn nhất tại Anh. Các nhà nghiên cứu cho biết đã thực hiện quá trình khai quật vào tháng 6.2024.
“Các nhà khoa học đã nghiên cứu megalosaurus lâu hơn bất kỳ loài khủng long nào khác, song những khám phá gần đây cho thấy vẫn còn những điều chưa được phát hiện về loài vật này”, nhà cổ sinh vật học Emma Nicholls từ Đại học Oxford, nói.
Phát hiện loài khủng long mới có cánh tay nhỏ xíu
Nhóm khoa học kỳ vọng nghiên cứu những dấu chân vừa được phát hiện sẽ cung cấp manh mối về cách các loài khủng long tương tác, cũng như kích thước và tốc độ di chuyển của chúng. Nhà cổ sinh vật học Richard Butler từ Đại học Birmingham cho rằng có khả năng trong quá khứ đã xảy ra bão ở khu vực này, tạo ra những lớp trầm tích lấp lên các dấu chân, khiến chúng được duy trì hình dạng đến ngày nay thay vì bị cuốn trôi.
Công nhân khu mỏ Gary Johnson là người đầu tiên phát hiện dấu chân khủng long nói trên. "Nhìn chúng trông rất thực. Đây thực sự là khoảnh khắc xúc động", ông nói.
Bình luận (0)