Phát hoảng với những "bác sĩ TikToker"

Thanh Nam
Thanh Nam
19/11/2022 16:18 GMT+7

Nhiều TikToker tỏ ra hiểu biết và hướng dẫn tất tần tật từ A đến Z những cách chữa trị... bá bệnh. Nếu tin vào những "bác sĩ TikToker" có thể đi gặp... bác sĩ thật.

Tin vào các "bác sĩ TikToker" dễ phải đi gặp bác sĩ thật. Chẳng hạn như lời khuyên dùng kem đánh răng để bôi lên mặt nhằm trị mụn là một cách sai lầm

CHỤP MÀN HÌNH

Vì nghe lời "bác sĩ TikToker" nên phải đi gặp... bác sĩ thật

Đau xương khớp một thời gian dài, nhưng Võ Chí Tâm (nhà ở địa chỉ 113/29 đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) không có thời gian để đi chữa trị. Một ngày, Tâm lang thang trên TikTok và mừng như bắt được vàng khi một TikToker bày cách để chữa trị bệnh này.

"Theo TikToker ấy, chỉ cần làm theo anh ta, uống đơn thuốc mà anh ta liệt kê là có thể khỏi bệnh. Nên tôi cũng làm theo. Và kết quả là bệnh dần nặng hơn. Tôi cũng bị bác sĩ la vì dùng đơn thuốc của người khác, thậm chí sử dụng một số loại thuốc không rõ nguồn gốc theo lời của TikToker kia", Tâm nói.

Đáng nói hơn, "bác sĩ TikToker" tự xưng còn... "xúi bậy" Tâm và nhiều người, rằng nếu uống thuốc không gia giảm, hãy tiêm thuốc vào khớp. "Rất may mắn là tôi không áp dụng cách này. Bởi theo các bác sĩ, nếu tiêm thuốc vào khớp có thể khiến teo da, mất sắc tố da, sẽ nhiễm khuẩn ổ khớp, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, loãng xương...", Tâm kể lại.

Bông gòn tẩm calamine để làm dịu vết thủy đậu, bệnh zona và côn trùng cắn nhưng được các "bác sĩ TikToker" khuyên hãy làm kem lót khi trang điểm

CHỤP MÀN HÌNH

Trường hợp của Tâm chỉ là một trong vô vàn câu chuyện "dở khóc dở cười" trên TikTok. Nhiều người trẻ nhẹ dạ cả tin vào những lời khuyên này, chỉ dẫn của các "bác sĩ TikToker", để rồi... nuốt cục tức.

Nguyễn Thị Kim Cương, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, từng bắt chước làm theo lời khuyên của một "bác sĩ TikToker". Theo người này, trước khi trang điểm nên bôi kem dưỡng da chứa calamine lên khắp mặt để làm khô da nhờn, chữa sẹo mụn và giữ lớp trang điểm lâu trôi.

Và nữ sinh này đã nhận cái kết đắng ngắt khi da trở nên sần sùi. "Khi đi khám, bác sĩ da liễu cho biết lời khuyên của "người tỏ ra hiểu biết về da liễu trên TikTok" kia chỉ có hại chứ không có lợi, vì dẫn đến nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng da và bị tổn thương da lâu dài.

Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn,Phòng khám đa khoa Duy Khang (TP.HCM), cho biết cách đây không lâu đã từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 24 tuổi bị viêm da kích ứng. "Cô gái ấy kể do nghe lời trên... TikTok nên đã dùng kem đánh răng để... trị mụn. Cách làm này là không đúng, bởi da mặt vốn nhạy cảm, nếu bôi kem đánh răng lên da mặt thì các thành phần trong kem đánh răng sẽ làm da mặt khô và gây kích ứng", bác sĩ Tuấn nói.

Cũng theo người này, đã từng gặp khá nhiều trường hợp phải đi gặp "bác sĩ thật" vì... tin lời "bác sĩ dỏm" trên TikTok, hay còn được gọi là "bác sĩ TikToker".

Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện người trẻ vì nghe lời "bác sĩ TikToker" nên phải đi gặp bác sĩ thật. Chẳng hạn như anh Trần Hữu Toàn (36 tuổi, nhà ở A10.618, Block A10, chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM) từng nghe lời khuyên từ một TikToker khi gặp triệu chứng đau tim. "Vợ tôi đi mua thuốc theo tên mà bác sĩ TikToker dặn dò. Nào ngờ, khi đi mua, dược sĩ nào cũng từ chối và cho biết nếu tự ý mua thuốc trợ tim uống mà không có sự giám sát, theo dõi của bác sĩ thì có thể xảy ra một số tai biến do thuốc, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Từ lần đó, tôi tởn tới già".

Tin vào những lời "xúi bậy" của các bác sĩ tự xưng trên TikTok sẽ dẫn đến nguy cơ rước bệnh vào người

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Quá nguy hiểm!

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Quang, khoa khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, trên TikTok hiện nay có nhiều TikToker thực hiện những video về "ngách" y tế để thu hút người theo dõi và họ tự xưng là "bác sĩ". Dù không có chuyên môn, nhưng họ vẫn... tự tin đưa ra những lời khuyên thiếu căn cứ khoa học. "Đáng buồn là nhiều người vẫn tin sái cổ vào những lời khuyên ấy trên TikTok", ông Quang nói.

Tương tự, bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn cũng nói việc ngày càng rộ lên những "bác sĩ TikToker" là điều rất nguy hiểm. Bởi không những cổ súy cho mọi người việc tự điều trị khi có bệnh thay vì đến bác sĩ, mà còn hướng dẫn những cách điều trị sai lầm.

"Có một thực tế là nhiều người vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những lời tư vấn của các "bác sĩ tự xưng" trên TikTok. Thậm chí, rất nhiều video chữa trị... bá bệnh của những "bác sĩ TikToker" này được chia sẻ rất nhiều, thu hút rất đông lượt xem. Điều này là quá nguy hiểm, vì nếu nghe theo có thể rước hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Tuấn nhìn nhận.

Theo ông Tuấn, khi có vấn đề về sức khỏe, nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để được các bác sĩ khám, chữa bệnh, chẩn đoán chính thức. Tuyệt đối không nghe theo những lời khuyên của những người tự xưng là bác sĩ trên TikToker. "Tôi cũng mong một số người dùng TikTok đừng vì câu view mà tự nhận mình là bác sĩ, để phán bậy, phán bừa những điều liên quan đến sức khỏe con người", ông Tuấn nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.