Cứng cổ, nhức đầu, đau vai...
Bác sĩ Trần Hữu Trí, Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế TP.HCM, cho biết hiện nay có nhiều người trẻ mắc chứng bệnh text neck. Lý do vì họ cúi đầu nhìn xuống màn hình điện thoại di động hay máy tính bản một cách thường xuyên.
Theo bác sĩ Trí, việc cúi mặt xuống để nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, máy tính bản theo một góc cố định khoảng 60 độ trong thời gian lâu sẽ khiến cho cổ phải chịu sức ép tương đương với việc cõng đồ vật tầm 30 ký. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm gia tăng áp lực lên cột sống, sẽ khiến các cơ quanh cổ co lại, gây tổn hại cổ và xương sống, có nguy cơ đối mặt với những vấn đề như thoái hóa đốt sống cổ, cứng cổ, nhức đầu, đau vai… tức là chứng bệnh text neck.
Nhiều người trẻ có thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại. Điều này dẫn đến chứng bệnh text neck |
X.P |
"Nếu càng cúi xuống, các cơ quanh cổ càng căng cứng để giữ cho đầu dựng lên. Thậm chí sự căng cứng của các cơ này có thể dẫn đến việc bị tê xuống cánh tay vì dây thần kinh bị chèn ép ở cổ", bác sĩ Trí nói thêm.
Mặc dù hệ lụy cho sức khỏe nhiều như thế, tuy nhiên trên thực tế, nhiều người trẻ vẫn đã và đang vô tư "rước bệnh vào người" khi hàng ngày, hàng giờ "cắm mặt" vào các thiết bị di động.
Nguyễn Trần Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ thật mỗi ngày đều sử dụng điện thoại đến... 16 tiếng đồng hồ. Hễ rảnh là cầm điện thoại lướt web, tương tác với bạn bè trên các mạng xã hội, hoặc xem YouTube. "Đó là thói quen mà tôi chưa bỏ được. Chính thói quen này khiến thị lực giảm sút và nhiều khi bị mỏi vai, gáy", Tuấn Anh nói.
Huỳnh Thị Lan Chi, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho rằng: "Không chỉ riêng tôi mà nhiều người trẻ hiện nay cũng có thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi. Lúc nào cũng dán mắt vào màn hình điện thoại". Chi kể thêm: "Có những lúc bị căng cứng quanh cổ nhưng không biết nguyên nhân vì sao".
Khi được hỏi về chứng bệnh text neck, đa phần người trẻ đều tỏ vẻ bất ngờ và cho rằng thuật ngữ này xa lạ. Chỉ đến khi biết được đây là chứng bệnh liên quan công nghệ, nhiều người mới hoảng hồn: "Vậy bây giờ phải làm sao?".
"Vùi đầu" vào điện thoại là thói quen không tốt của nhiều người trẻ |
SHUTTERSTOCK |
Không khó để "né" text neck
Theo bác sĩ Trí, vì đặc thù công việc, nhiều người phải sử dụng máy tính bảng, điện thoại. Tuy nhiên không khó để "né" chứng bệnh text neck.
"Để ngăn ngừa text neck có rất nhiều cách. Như đừng cúi mặt xuống để dùng điện thoại hoặc máy tính bảng mà hãy đưa điện thoại lên ngang tầm mắt. Hãy cố gắng nâng điện thoại của cao hơn để giữ đầu ở tư thế được thẳng nhất. Khi đó, sẽ không phải thường xuyên gục đầu và gây căng cơ. Cũng đừng ngồi một chỗ thường xuyên. Thay vào đó, thi thoảng hãy đứng lên và di chuyển thường xuyên để máu trong cơ thể lưu thông, giúp cho toàn bộ cơ thể nói chung và có lợi cho cổ nói riêng", bác sĩ Trí nói.
Cũng theo khuyến cáo của vị bác sĩ này, nên sử dụng ghế có tựa đầu để giúp ngăn việc uốn cong cổ về phía trước để nhìn xuống. Ghế có tựa đầu cũng sẽ giảm áp lực của cơ cổ để chúng không bị căng.
Ngoài ra, còn có cách là phải tập thể dục, nhất là ưu tiên các động tác thư giãn cơ và các bài tập tăng cơ cổ, ngực, hoặc tự xoa bóp làm mềm vùng cơ cổ...
"Quan trọng nhất, đó là cần có ý thức trong việc sử dụng điện thoại hay máy tính bảng. Không nên quá say mê xem phim, lướt web, dạo Facebook... mà cứ cúi mặt chằm chằm vào màn hình một cách thường xuyên. Điều này tạo thói quen không tốt, nhất là phải đối mặt với nguy cơ bị chứng bệnh text neck", bác sĩ Trí nói thêm.
Hãy biết cách "né" chứng bệnh text neck, như việc không cầm điện thoại sai cách |
SHUTTERSTOCK |
Với những người trẻ có thói quen áp dụng những tư thế sử dụng điện thoại sai lệch, ông Lê Thành Vinh, giảng viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh, hướng dẫn: "Có thể luyện tập những bài tập giúp phục hồi lại tư thế đúng và giúp thư giãn cổ. Có thể kể như đặt một cuốn sách trên đầu. Sau đó bước đi thong dong sao cho sách không bị rơi xuống. Bài tập này sẽ giúp nắn thẳng cột sống một cách tự nhiên, tăng cường được vùng cơ cổ, và giúp nhắc mỗi người phải giữ thẳng lưng, thẳng đầu và cổ chứ không chúi về phía trước".
"Một cách khác, đó là hãy học động tác giống kiểu trẻ em tập bò. Bài tập này giúp cải thiện tư thế và sự cần bằng, tái thiết lập đường con cột sống một cách tự nhiên, cũng như tăng cường cơ cổ và cơ cốt lõi...", ông Vinh nói thêm.
Cũng theo ông Vinh, khi đã mắc hội chứng tech neck, có thể tập một số động tác như: đẩy cằm (khi đang đứng, hãy đẩy cằm ra phía sau để làm căng phần sau gáy. Duy trì tư thế trong vòng 10 giây và lặp lại 5 lần. Thực hiện động tác này khoảng 2 lần/ngày), kéo giãn cổ (ngồi thẳng lưng, ngửa đầu ra sau và nhìn lên trời hoặc trần nhà. Ấn xuống trán một lực nhẹ. Giữ trong vòng 20 giây và lặp lại trong 5 lần. Thực hiện ít nhất 2 lần/ngày), giãn cơ hai bên cổ (hãy thư giãn cơ cổ khi nghiêng đầu sang bên trái, di chuyển tai trái về phía vai trái. Giữ tư thế này trong vòng 10 giây và lặp lại 5 lần. Sau đó đổi bên)...
Bác sĩ Trí lưu ý thêm nếu người trẻ gặp chứng bệnh text neck khá trầm trọng, đừng tự ý chữa trị mà nên tìm đến các chuyên gia y tế.
Bình luận (0)