Phát huy giá trị phế tích ở Vườn quốc gia Ba Vì

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/09/2020 06:11 GMT+7

Những phế tích người Pháp để lại cho thấy quy hoạch nghỉ dưỡng của Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) mà họ xây dựng. Nó cũng gợi mở cho những quy hoạch tương lai của khu vực này.

Cuộc sống Suối Hoa

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ vẫn nhớ ngôi nhà xưa trong Vườn quốc gia Ba Vì, nơi gia đình ông sống thời kỳ 1944 - 1948. Cha ông - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, đã mua thửa đất số 8 rộng 1.460 m2 với giá 4.000 đồng Đông Dương. Lúc đầu, ông Ngọc chỉ dựng một nhà lá nhỏ để ở tạm, sau đó mới xây nhà bằng bê tông, mái ván gỗ thông phủ nhựa đường. Khi đó, việc xây nhà trên núi cao cực kỳ khó khăn về mọi mặt, nhưng việc sống giữa thiên nhiên vẫn được ông Ngọc theo đuổi, ông cũng gọi đó là “lối sống Suối Hoa”.
Ngôi nhà của ông Trịnh Lữ giờ chỉ còn là phế tích. Ông và ông Đỗ Hữu Thế (Trưởng trạm Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì) đã tìm thấy dấu tích ngôi nhà hồi 2009. Ngôi nhà xưa giờ còn một góc tường đá, rễ cây bao bọc sừng sững trước mắt. “Chúng tôi cùng trèo lên trốc tường nhìn xuống, Thế bảo đúng như bác mô tả rồi. Nắng chiếu lấp lánh khiến toàn bộ ngôi nhà hiện ra, như thức dậy cùng cây lá. Thế lại bảo bây giờ cháu mới biết có phế tích này, để cháu vào sổ ngay…”, ông Trịnh Lữ nhớ lại, và chia sẻ tại tọa đàm Phát huy giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 9.9.
Còn nhiều phế tích khác hiện vẫn đang còn trong khu vườn quốc gia này. Nhà thờ, những ngôi nhà lớn, mảng sân rộng vẫn còn gạch hoa, cầu thang máy chuyên dùng để chuyển thức ăn từ bếp, sân bay trực thăng... Nó cho thấy đời sống của người Pháp từng có ở đây. Nó cũng cho biết nơi đây người Pháp từng muốn xây dựng cả một thị trấn và sẽ dành nó chủ yếu cho việc nghỉ dưỡng.
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, cho biết hiện trung tâm có hàng nghìn trang tài liệu hành chính và bản đồ quy hoạch, bản vẽ thiết kế cho phép chúng ta tìm lại dấu tích Ba Vì của gần 100 năm trước. Bà cho biết, năm 1942, trong báo cáo của mình, Công sứ Sơn Tây Tucat đã đánh giá: “Khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo”. Ông này sau đó cũng là một trong những người đầu tiên xây biệt thự ở đây.
Phát triển
đúng pháp luật
Khảo sát của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Vườn quốc gia Ba Vì cho thấy, những gì về cấu trúc đô thị, hệ thống đường của người Pháp quy hoạch và xây dựng xưa đều được tôn trọng. Khảo sát cũng cho thấy, đến ngày hôm nay, da thịt của vườn quốc gia vẫn được bảo tồn tốt. “Đặc biệt là các phế tích, cảnh quan được tìm thấy, được phát lộ để trở thành điểm tham quan cho khách du lịch. Cốt 400 ta thấy có 13 công trình được can thiệp trong số 29 công trình thời Pháp. Ở đây có xuất hiện xu hướng xây dựng một khu nghỉ dưỡng mang tính phổ thông. Chúng tôi thấy xu hướng này hợp lý ở cốt thấp. Riêng cốt 600, 700 với quy mô 55 công trình khách sạn, thực chất chúng ta mới xây dựng trên nền phế tích là chính. 12 công trình trên 82 công trình từ thời Pháp. Tôi muốn nói thực trạng can thiệp là rất khiêm tốn và rất dè dặt của chủ đầu tư”, GS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói.
KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng người Pháp đã đặt nền móng cho sự hình thành đô thị lớn và các thị trấn hay khu nghỉ dưỡng ở nước ta. Các phế tích kiến trúc Pháp tại Ba Vì cũng vậy, là dấu tích của di sản quy hoạch kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp. Chúng tạo cảm xúc lịch sử với đầy đủ yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian. Do đó, có thể phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu mà vẫn có thể bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa cốt lõi. Ông Vinh cũng đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu thông tin về tổng thể Vườn quốc gia Ba Vì để giúp du khách và người nghiên cứu có cái nhìn tổng thể, trước khi họ tiếp xúc dấu tích thật trên thực địa.
KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định ở nước ta, có nhiều vườn quốc gia tương tự như Ba Vì, trong đó có Tam Đảo, Sa Pa, Cát Bà, Pù Mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo. Chúng ta đã biến các nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế và thành khu du lịch đẹp, hiệu quả. “Quay về Ba Vì, có lẽ chúng ta không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: Tại sao cách Hà Nội chỉ 60 km, chỉ 1 giờ đi ô tô, mà 20 - 25 năm nay, Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân?”, ông Vạn băn khoăn.
Ông Vạn cũng ủng hộ việc phát triển Vườn quốc gia Ba Vì đúng pháp luật. Ông đề xuất 4 yếu tố: “Một chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời. Một nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm. Cần những kiến trúc sư tâm huyết, có tài năng để có đồ án kiến trúc, cảnh quan tương ứng với quỹ tài nguyên đó. Và, cần sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng để phát triển bền vững”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.