Liên tục nhiều ngày trở lại đây, bà Thanh (Q.3, TP.HCM) nhận được nhiều tin nhắn ngân hàng (NH) thanh lý nhà đất. Lúc đầu khá bực mình, nhưng sau thấy giá một lô đất chỉ 125 triệu đồng, bà Thanh gọi điện theo số tin nhắn cho người tên Linh.
Người này cho biết NH ACB đang thanh lý 39 nền nội bộ ở H.Hóc Môn; đất đã có sổ riêng, chủ của 39 lô đất thế chấp sổ tại NH mà không trả được nợ nên giờ NH phát mãi thu hồi vốn. Nhưng thay vì giá trị lô đất là 125 triệu đồng như tin nhắn, người này yêu cầu “Chị đóng trước 125 triệu trong tổng số tiền 350 triệu đồng đối với lô đất có diện tích 5 x 20 m. Những đợt trả nợ sau cứ 2 tháng một lần số tiền từ 68 triệu đồng/đợt, 16,8 triệu đồng/đợt… và ACB sẽ cho vay số tiền này với lãi suất 0%”.
|
Bà Thanh hỏi có phải làm việc với chủ đất không, Linh sốt sắng: “Khách hàng đã làm giấy ủy quyền cho phía NH phát mãi nên chị sẽ làm việc trực tiếp với tụi em. Đất nằm trong dự án, khu đô thị nên cơ sở hạ tầng đã hoàn tất, chị có thể xây nhà ngay sau khi nhận. Chị mua đi vì NH phát mãi nên thấp hơn giá thị trường 6 - 7%. Cuối tuần, công ty có xe đưa khách đến tận nơi tham quan, em dẫn chị đi luôn được không?”. Thấy lúc thì Linh nói là người của NH ACB, lúc lại nói của công ty, bà Thanh thấy không ổn nên từ chối đi xem đất.
“Giá rẻ bằng nửa thị trường”
Không chỉ ACB, có rất nhiều tin nhắn nhận là người của các NH khác như BIDV, VIB… gửi đến người dùng điện thoại để rao phát mãi nhà đất với giá rẻ. Trong vai người mua, chúng tôi liên lạc với một người tên Lan qua một tin nhắn tương tự. Lan giới thiệu: “Em là người của công ty liên kết với NH S. thực hiện bán 13 lô đất nền khu Tên Lửa 2 (tỉnh lộ 10, H.Bình Chánh). Đây là những tài sản của khách hàng NH này không trả được nợ. Dự án này đã được quy hoạch, giá thị trường đang là 7 - 8 triệu đồng/m2 nhưng thanh lý với giá thấp hơn 10%, do trước đây khách hàng mua được giá từ 4 - 6 triệu đồng/m2”.
Trên các kênh mua bán qua mạng cũng đăng nhan nhản dòng rao bán bất động sản (BĐS) phát mãi. Hỏi thì người rao bán cho biết đây là đất của những người cầm sổ đến hạn không có khả năng lấy lại tài sản, nên NH phát mãi bán giá rẻ hơn thị trường để thu hồi vốn. “Giá thị trường hiện nay ở khu Mỹ Phước là 3 triệu đồng/m2, nhưng giá phát mãi còn rẻ hơn, chỉ gần bằng một nửa. Mua nhanh kẻo hết”, bên bán hối và cho biết có xe miễn phí hằng tuần 2 chuyến thứ năm - bảy để đưa khách đi xem đất. NH sẽ hỗ trợ, giãn tiến độ thanh toán 4 - 6 tháng, thanh toán trước 50 - 75% đợt đầu. Những người này còn nói giá bán đã qua thẩm định, thanh lý thấp hơn giá đất cùng loại của nhà nước…
Một môi giới khác lại nói những căn nhà, mảnh đất ông rao bán là của khách hàng cầm cố để vay vốn kinh doanh, làm ăn nhưng đến thời điểm đáo hạn, người vay không có khả năng trả nợ nên NH mang ra bán phát mãi thông qua sàn môi giới BĐS. “Đây đã là đất của NH rồi, mua công chứng xong là ổn, không gặp rắc rối gì với người chủ cũ đâu, đừng lo”, ông này quả quyết.
Cẩn trọng kẻo bị lừa
Liên lạc với NH, đại diện ACB khẳng định không rao bán 39 lô đất tại H.Hóc Môn như đề cập ở trên. Còn phía BIDV thì cho biết BIDV không có chi nhánh nào ở Tân Phú nên không thể có nhân viên BIDV Tân Phú rao bán 5 lô đất ở Q.Thủ Đức như phản ánh. Trong khi đó, đại diện NH TMCP Quốc tế (VIB) nói tại VIB chức năng bán tài sản bảo đảm được thực hiện qua đầu mối là Công ty xử lý nợ AMC của VIB, nhưng cả VIB và AMC không đăng tin phát mãi tài sản. Trong trường hợp chào bán tài sản sẽ thực hiện trực tiếp trên website của mình hoặc các trang web khác, nhưng ghi rõ thông tin người bán là AMC.
Theo đánh giá của VIB, đánh vào tâm lý NH thanh lý tài sản với giá rẻ, nhiều đối tượng mạo danh NH nhằm lừa lấy tiền của khách muốn mua được BĐS với giá rẻ. Hoặc một số đối tượng biết được NH rao bán tài sản thì đăng lại thông tin, khi có người mua sẽ đưa đến NH, rồi đòi tiền môi giới. “Những người có nhu cầu mua tài sản thanh lý của NH nên trực tiếp liên hệ NH để có thông tin rõ ràng, tránh thiệt hại về kinh tế”, đại diện VIB nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết đã có nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện xảy ra khi NH rao bán đấu giá tài sản thế chấp chỉ bằng một nửa so với giá thị trường, gây thiệt cho con nợ. Cũng có những trường hợp mua nhà phát mãi nhưng sau đó vướng vào tranh chấp, vì người bán chỉ đồng sở hữu căn nhà hoặc con nợ, sau khi đã bị phát mãi nhà vẫn còn mắc nợ NH vì giá trị phát mãi thấp hơn giá trị thực và dư nợ vay. “Theo quy định, nếu trong hợp đồng thế chấp có quy định NH được xử lý tài sản thế chấp bằng hình thức bán đấu giá tài sản và bên vay đồng ý, thì việc NH xử lý đấu giá tài sản không vi phạm pháp luật. Còn ngược lại, nếu không có thỏa thuận cụ thể, bắt buộc NH khởi kiện ra tòa. Và khi xử lý tài sản thế chấp, NH phải thông qua bán đấu giá mới đúng luật”, luật sư Hậu phân tích và khuyến cáo: “Việc mua nhà đất phát mãi ẩn chứa nhiều rủi ro nên phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của BĐS thuộc diện này để tránh những thiệt hại về sau. Thông qua bán đấu giá để hạn chế tình trạng tham nhũng hay bắt ép gây thiệt hại cho con nợ. Sau đấu giá, NH còn phải xuất hóa đơn cho người mua để đảm bảo việc minh bạch giá cả”.
Giám đốc một công ty BĐS cho rằng đây là chiêu giả danh NH phát mãi để thu hút người mua giá rẻ, nhưng ông này cũng “không loại trừ khả năng đây là một cách mới của NH”. Theo vị này, hiện nợ xấu của NH nằm ở BĐS khá lớn. Bên cạnh đấu giá, để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, NH thường hỗ trợ tìm người mua. Sau khi thỏa thuận giá, NH làm trung gian thanh toán. Thậm chí, để nhanh chóng thu hồi nợ, NH cũng có thể ép con nợ bán rẻ tài sản. Một cách khác NH thường làm hiện nay là tìm một công ty mua lại dự án bị nợ quá hạn, sau đó hỗ trợ cho chủ mới đầu tư xây dựng dự án và NH tham gia cho vay đối với người mua. Như vậy, nợ xấu đã chuyển sang nợ tốt, từ nợ của một người chuyển sang cho cả ngàn người. “Trên thị trường đang có hiện tượng một số công ty mới thành lập liên tiếp mua những dự án. Đây là cách xử lý nợ xấu khá phổ biến ở một số NH hiện nay”, ông này nói.
|
Bình luận (0)