Phạt nhẹ, tin nhắn rác hoành hành: Rút giấy phép đơn vị thường xuyên vi phạm

10/07/2016 10:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài viết Phạt nhẹ, tin nhắn rác hoành hành và bài Phạt “thích” hơn trên mục Chào buổi sáng của Báo Thanh Niên số ra ngày 9.7.

“Lờn” luật
Tôi ví dụ, một đứa trẻ hư nhưng cha mẹ xử phạt quá nhẹ, không tương xứng với hành vi vi phạm thì đứa trẻ sẽ trở nên “lờn mặt”, không sợ và chắc chắn tiếp tục tái diễn. Trong xã hội cũng vậy, các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức do chưa có quy định xử phạt hoặc có nhưng hình thức xử phạt nhẹ, không tương xứng thì cũng khiến các cá nhân, tổ chức ấy trở nên “lờn” luật. Hơn ai hết họ biết mình vi phạm như thế sẽ bị xử phạt như thế nào, mức xử phạt ấy so với những cái lợi họ có được từ sự vi phạm không nhiều thì tại sao họ không vi phạm, thậm chí họ còn thích “vi phạm” hơn.
Võ Hải Minh (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM)
Khó chấm dứt
Tôi cho rằng tin nhắn rác sẽ không bao giờ chấm dứt nếu cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức xử phạt quá nhẹ như báo chí phản ánh. Rõ ràng, tin nhắn rác ảnh hưởng đến hầu hết mọi thuê bao. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này không đến nỗi “gây chết người” nên hàng triệu thuê bao vẫn mặc nhiên bỏ qua hay chấp nhận sống chung. Kế đến, việc xử phạt các nhà mạng, các doanh nghiệp (DN) chỉ làm theo kiểu phong trào. Báo chí, dư luận lên tiếng gay gắt quá thì kiểm tra, xử phạt chứ ít có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tất cả những yếu tố đó khiến tin nhắn rác sẽ còn đất sống lâu dài. Chủ thuê bao muốn không còn nhận tin nhắn rác nữa chỉ còn cách duy nhất là... vứt điện thoại đi.
Hồ Thị Mỹ Ngọc (Q.9, TP.HCM)
Hoàn thiện pháp luật
Đã đến lúc các nhà làm luật cần phải nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm. Phải làm sao sau khi bị xử phạt, các DN, cá nhân vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, không dám tái phạm. Muốn như thế thì chế tài phải đủ mạnh, đủ sức để giáo dục, răn đe, thậm chí tước giấy phép hoạt động vĩnh viễn đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Không thể vi phạm rồi xử phạt sau đó vi phạm tiếp như thế.
Nguyễn Đỗ Hồng Sương (P.3, Q.6, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Việc “đánh” vào túi tiền của DN vi phạm các quy định của pháp luật là hoàn toàn đúng đắn. Với DN, lợi nhuận là quan trọng hàng đầu nên hình thức xử phạt này rất có tính răn đe. Tuy nhiên, một DN thu về hàng nghìn tỉ đồng từ hành vi vi phạm nhưng chỉ bị xử phạt vài trăm triệu đồng là điều rất không bình thường. Nên chăng, khi chứng minh DN đó thu được bao nhiêu tiền từ hành vi vi phạm thì phải tịch thu toàn bộ số tiền thu được đó cộng thêm khoản phạt vi phạm. Phải như thế họ mới không còn dám vi phạm nữa.
Đặng Hữu Cường (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
       
Tôi rất bức xúc trước việc phạt chủ các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm quá nhẹ. Lẽ ra, một khi phát hiện vật nuôi bị tiêm chất cấm thì phải tịch thu, tiêu hủy cả đàn heo đó bên cạnh việc xử phạt chủ cơ sở chăn nuôi. Kiểu xử phạt quá nhẹ như vậy chẳng khác nào dung dưỡng, khuyến khích người chăn nuôi vi phạm. Cứ cho heo sử dụng chất cấm đi, nếu có bị bắt cũng chỉ bị phạt nhẹ và cho thêm thời gian để heo thải chất cấm ra là bán được thôi. Như vậy, người vi phạm chẳng những không mất gì mà còn được lợi nhiều bởi đâu phải lúc nào cơ quan chức năng cũng kiểm tra. Như thế không vi phạm là phí.
Võ Thị Phương Mai (Q.8, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.