Liên tiếp trong thời gian qua, một vài công ty du lịch tại TP.HCM bị khách hàng tố lừa gạt, quỵt tiền khách với số tiền lên tới cả tỉ đồng. Đáng nói là tình trạng này có nguyên nhân từ một số bất cập trong chính sách quản lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Quỵt tiền tỉ, nộp phạt 4 triệu đồng
Việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ quảng cáo Golux lừa đảo bán tour du lịch nước ngoài, chiếm đoạt của khách hàng nhiều tỉ đồng còn chưa giải quyết xong, rất nhiều người lại tiếp tục kéo lên Công ty CP dịch vụ du lịch Sài Gòn Chợ Lớn tố công ty này lừa khách hàng gần 1 tỉ đồng. Vẫn thủ đoạn tương tự, quảng cáo bán tour, nhận tiền rồi “xù”. Thay vì đi hưởng thụ chuyến du lịch, khách hàng phải chạy tới chạy lui đến văn phòng công ty đã đóng cửa, trực chờ đòi lại tiền. Đáng nói, cùng hành vi lừa gạt khách hàng với số tiền lớn, trong khi hồ sơ vụ Golux đã chuyển sang cơ quan công an điều tra, đến giờ chưa có kết quả thì Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đã lập biên bản và ra quyết định phạt 4 triệu đồng đối với Công ty Sài Gòn Chợ Lớn, lỗi “không giải quyết yêu cầu kiến nghị của khách du lịch theo quy định”.
tin liên quan
'Cần khởi tố công ty du lịch chiếm đoạt tiền khách mua tour'Quy định cũ, mập mờ, chồng chéo
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo vẫn đang áp dụng Nghị định số 158 ban hành ngày 12.11.2013, trong đó riêng lĩnh vực du lịch vẫn dựa trên luật Du lịch 2015. Đến ngày 20.3.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 28 sửa đổi, bổ sung thêm một số điều từ Nghị định 131 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, vẫn gộp cả Nghị định số 158 trước đó. Sau đó, ngày 10.4.2017, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch ban hành Văn bản hợp nhất số 1433 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo trên cơ sở hợp nhất 2 Nghị định 158 và 28 nêu trên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, đánh giá do vẫn từ cái cũ ghép vào và văn bản này ra đời trước luật Du lịch 2017 nên còn nhiều quy định chưa hợp lý, mâu thuẫn. Đơn cử, theo điều 42, đơn vị kinh doanh lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi không giải quyết yêu cầu, kiến nghị chính đáng của khách du lịch. “Vậy thế nào là yêu cầu, kiến nghị chính đáng? Khi nào thì bị cho là không giải quyết yêu cầu, kiến nghị chính đáng của khách hàng?”, luật sư Nguyễn Văn Hậu đặt vấn đề và cho rằng, chính vì không rõ ràng nên một hành vi mang tính chất lừa đảo như Công ty Sài Gòn Chợ Lớn, có dấu hiệu hình sự, có thể khởi tố nhưng cuối cùng chỉ bị phạt có 4 triệu.
“Quỵt hàng tỉ đồng của khách, không trả cũng chỉ là "không giải quyết nhu cầu chính đáng của khách". Quy định như vậy các doanh nghiệp làm ăn chộp giựt sẽ sẵn sàng đóng phạt để vi phạm”, ông Hậu nhận định.
Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng không thể đem một chiếc áo cũ, quá chật chỉnh sửa lại để cố khoác vào một cơ thể đang trong giai đoạn phát triển. Trong khi việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch đang phát triển rầm rộ thì tìm “đỏ mắt” cũng không thấy quy định nào nói đến quản lý thương mại điện tử trong ngành du lịch. Đây là lỗ hổng lớn, vô tình tạo điều kiện tốt cho các công ty làm ăn chộp giựt tung hoành mà điển hình như trường hợp của Golux, Sài Gòn Chợ Lớn. “Mỗi luật được xây dựng trên một cơ sở tư duy căn cứ vào tình hình thực tiễn và dự đoán cho nhiều năm sau. Không thể mang công cụ quản lý cũ để quản tư duy mới, thực tiễn mới”, ông nói.
Bình luận (0)