Phát triển bền vững cây sắn Việt Nam

17/01/2015 11:34 GMT+7

Hiện cây sắn (khoai mì) chiếm kim ngạch xuất khẩu thứ tư trong ngành nông nghiệp, sau cà phê, lúa và điều.

Hiện cây sắn (khoai mì) chiếm kim ngạch xuất khẩu thứ tư trong ngành nông nghiệp, sau cà phê, lúa và điều.

 
Cây sắn (khoai mì) được trồng nhiều ở Tây Ninh - Ảnh: Giang Phương
Hiệp hội sắn VN vừa phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững cây sắn VN”. Theo đó, cây sắn từ lâu được biết đến như một cây lương thực quan trọng.
Theo TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội sắn VN thì cây khoai mì là một trong những cây trồng có kim ngạch xuất khẩu cao trong ngành nông nghiệp, đứng thứ 4 sau cà phê, lúa và điều. Diện tích trồng sắn hiện nay của VN là 600.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 17,6 tấn/ha, phân bố chủ yếu ở Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ.
TS Nguyễn Văn Lạng cho biết thời gian qua VN liên tục áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nghiên cứu những nguồn gen, giống sắn mới cho năng suất cao như: KM94, KM98-1, 3MQ37-26, trong đó, giống sắn KM94 được trồng nhiều nhất.
Với điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển, sắn được trồng chủ yếu trên đất cát, đất nhiều đá sỏi, đất thịt, đất dốc. “Cây sắn có đặc tính dễ trồng, ít kén đất, dễ thu hoạch, chế biến, lợi nhuận cao và chi phí thấp”, TS Lạng phân tích.
So với những năm trước đây, năng suất sắn của VN đã được cải thiện (bình quân đạt trên 17,6 tấn/ha). Sắn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nhưng năng suất cao nhất vẫn là ở vùng Đông Nam bộ.
Về tình hình chế biến và tiêu thụ sắn, theo số liệu của Hiệp hội sắn VN, cả nước có 100 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp, trong đó có 7 nhà máy chế biến cồn từ tinh dầu sắn. So với 5 năm trước đây, con số này tăng gấp đôi về số lượng nhà máy và gấp 3 lần về công suất. Thị trường tiêu thụ sắn và tinh bột sắn chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu), còn lại là các thị trường khác, như: Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia…
Tại hội thảo, báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh cho biết diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh hiện nay là trên 50.000 ha (đứng thứ 2 cả nước về diện tích, sau tỉnh Gia Lai), nhưng dẫn đầu cả nước về sản lượng và năng suất. Toàn tỉnh Tây Ninh có 72 cơ sở chế biến sắn. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu tinh bột sắn trên địa bàn tăng 3,4 lần so với năm 2010.
Định hướng phát triển ngành sắn VN trong thời gian tới, TS Nguyễn Văn Lạng cho rằng trước hết cần quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu (khoảng 600.000 ha), không nên mở rộng diện tích trồng sắn quá mức. Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đảm bảo năng suất trên 30 tấn/ha. Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát (sắn thô) ra thị trường.
“Chính phủ cần có cơ chế chính sách phù hợp về tài chính, khoa học công nghệ, khuyến nông và quảng bá thương hiệu ngành sắn một cách hợp lý, đưa cây sắn trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho xuất khẩu nông nghiệp VN’, TS Lạng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.