Ngày 6.6, tại Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư khu vực phía bắc vào dự thảo đề án.
Tại hội thảo, Tổ biên tập đã báo cáo tóm tắt về tiến độ xây dựng đề án. Theo đó, ngay sau khi được thành lập, từ tháng 5.2021 đến nay, Ban chỉ đạo đã khẩn trương tổ chức chỉ đạo triển khai xây dựng đề án: xây dựng kế hoạch; phân công các cơ quan nghiên cứu, xây dựng 27 báo cáo chuyên đề, thành lập Tổ biên tập, Nhóm biên tập xây dựng Đề án làm việc tập trung, giao Ban Nội chính T.Ư làm cơ quan thường trực, giúp Ban chỉ đạo điều phối hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đã tổ chức thành công 3 hội thảo quốc gia, 6 cuộc tọa đàm chuyên sâu; huy động hơn 600 lượt đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước, cán bộ làm công tác thực tiễn có kinh nghiệm, tâm huyết tham gia trao đổi, thảo luận, góp ý cho việc xây dựng đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; làm rõ hơn các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo Chủ tịch nước, trong định hướng phát triển bền vững thì cần quan tâm đến cả các tỉnh nghèo, khó khăn.
Chủ tịch nước cho rằng những vấn đề được nêu ra tại hội nghị lần này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu tỉnh ủy, thành ủy các địa phương sau hội nghị này tiếp tục nghiên cứu dự thảo đề án và góp ý bằng văn bản cho Ban chỉ đạo. Tổ biên tập đã tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án.
Bình luận (0)