Phát triển công nghiệp bán dẫn 'trên vai người khổng lồ'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/12/2024 06:00 GMT+7

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại VN. Đây là cơ hội lớn để VN đẩy mạnh phát triển công nghiệp bán dẫn bằng chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ".

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Thông tin tại cuộc họp gần đây về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết VN hiện có 174 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD. Đáng lưu ý, Bộ trưởng nhấn mạnh: Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang VN, không chỉ đầu tư sản xuất - kinh doanh, mà còn xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Những con số này được tính từ các dự án hiện hữu từ các ông lớn như Intel, Amkor, HanaMicron, Qualcomm… đến nhiều doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung công nghệ toàn cầu.

Phát triển công nghiệp bán dẫn 'trên vai người khổng lồ'- Ảnh 1.
Phát triển công nghiệp bán dẫn 'trên vai người khổng lồ'- Ảnh 2.

Đang có dòng vốn dịch chuyển công nghệ vào VN

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng tiết lộ đã nhiều lần làm việc, tiếp xúc với đại diện nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, Qualcomm, Meta, AlChip, Qorvo… và đa số "đã có kế hoạch cụ thể về chuyển dịch chuỗi cung ứng sang VN", phát triển các trung tâm R&D, mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại VN. Mới đây nhất, sự kiện NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác chiến lược tại VN, phát triển Trung tâm R&D AI và Trung tâm dữ liệu AI đã gây sự đặc biệt chú ý trong cộng đồng công nghệ toàn cầu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính thỏa thuận hợp tác với NVIDIA là "cú hích" quan trọng giúp VN có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào VN.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, cho rằng những năm 2018 - 2019, khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đã có làn sóng vốn FDI dịch chuyển rời Trung Quốc hoặc không mở rộng đầu tư. Tại thời điểm đó, VN được đánh giá là điểm thu hút dòng vốn dịch chuyển này do nhiều yếu tố thuận lợi. Chúng ta cũng đặt ra nhiều kế hoạch thu hút, mời gọi... Tuy nhiên, hiệu quả không như kỳ vọng, một phần do ảnh hưởng hậu đại dịch, chiến lược của nhiều nhà đầu tư thay đổi; hoặc chúng ta đã chậm một bước trong thu hút, khiến một số đã chuyển sang xây nhà máy tại một số thị trường khác trong khu vực châu Á. "Nhắc lại điều này để thấy, lúc này là cơ hội lớn thứ 2 mà bắt buộc chúng ta phải nắm bắt", ông Lạng nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, cục diện cho cuộc dịch chuyển vốn dưới thời Trump 2.0 khác hoàn toàn 5 - 7 năm trước. VN đang có nhiều lợi thế đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Chúng ta đã có hợp tác phát triển R&D, trung tâm dữ liệu AI với NVIDIA, có nhà máy sản xuất lớn của Foxconn, Compal, Pegatron…; vị thế của VN trong khu vực và trên thế giới khác hơn nhiều so với trước. Nay nhiều tập đoàn xác định rõ VN là một điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.

"Nếu quan sát các nguồn vốn ngoại đăng ký mới đến từ Trung Quốc, Hồng Kông hay Đài Loan, Singapore vào VN trong năm nay là rất lớn, đóng góp hơn 60% tổng vốn FDI toàn quốc. Một vài số liệu của Ngân hàng HSBC gần đây cho thấy, FDI từ Singapore vào VN thực chất 50% có nguồn gốc từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan. FDI từ Trung Quốc trong thực tế có sự pha trộn FDI nhiều nước lớn và trong nước, tập trung tại trung tâm tài chính Hồng Kông... nên đó cũng chính là sự dịch chuyển. Về thương mại, VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do là chất xúc tác quan trọng giúp các công ty sản xuất toàn cầu từ Đài Loan, Hồng Kông tận dụng VN như một cứ điểm hiệu quả để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Thế nên, có thể nói, VN là "tiền đồn" quan trọng cho dòng vốn FDI mở rộng, chuyển dịch. Với những diễn biến thời sự, trong thời gian tới, vốn chuyển dịch FDI trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vào VN có nhiều dấu hiệu lạc quan", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.

VN là "tiền đồn" quan trọng cho dòng vốn FDI mở rộng, chuyển dịch. Với những diễn biến thời sự, trong thời gian tới, vốn chuyển dịch FDI trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vào VN có nhiều dấu hiệu lạc quan.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế)

"Cái gì cần cải thiện, làm ngay, đừng thờ ơ nữa!"

Dẫn câu chuyện xảy ra với Amkor Việt Nam - nhà sản xuất bán dẫn ở Bắc Ninh - từng phàn nàn về logistics nội địa, rằng giao hàng từ Bắc Ninh đến Bắc Giang còn mất thời gian hơn từ Amkor Hàn Quốc về Bắc Giang, theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng, thu hút nguồn vốn dịch chuyển đợt này.

"Nhà đầu tư nước ngoài phản ánh họ mất từ 24 - 48 tiếng đồng hồ mới nhận được hàng giao từ tỉnh này sang tỉnh khác lân cận, trong phạm vi 20 km, trong khi hàng nhập từ Hàn Quốc về chỉ mất 24 tiếng là tối đa. Chúng ta bị chậm vì đường sá ngăn sông cách núi quá lớn hay chậm vì cách làm việc "đủng đỉnh" xưa nay? Rõ ràng là không, Bắc Giang cách Bắc Ninh chỉ 20 km, đi ô tô chỉ mất nửa tiếng… Như vậy, muốn thu hút dòng vốn chuyển dịch quan trọng này, phải nhanh chóng gỡ nút thắt cố hữu là chậm trễ và chi phí cao trong logistics. Cái gì cần cải thiện phải làm ngay, không nên chậm trễ hay thờ ơ nữa. Câu chuyện bán dẫn là của cả nước, nhiều ngành, địa phương, không riêng gì lĩnh vực công nghệ, thu hút đầu tư…", TS Lạng góp ý.

Trước đó, tại Hội nghị logistics VN 2024, TS Yap Kwong Weng, Tổng giám đốc Việt Nam SuperPort, cũng cho rằng ASEAN đang trở thành trung tâm sản xuất mới với dòng vốn FDI vào khu vực tăng mạnh. Trong đó, lợi thế của ngành logistics VN là có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và có đường bờ biển dài, thuận lợi cho hoạt động logistics. Tuy nhiên, VN vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu các trung tâm logistics kết nối với cảng biển và sân bay lớn. Do vậy, việc hình thành các hành lang vận tải đa phương thức là cấp thiết.

Phân tích sâu hơn về cơ hội thu hút dòng vốn dịch chuyển, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc, cho biết trên thế giới hiện có 3 loại chip gồm chip về logic, chip về bộ nhớ và các thiết bị quang điện tử rời rạc. Sau khi chế tạo xong, toàn bộ chip sẽ được cắt rời và đóng gói theo thiết kế. Với 3 phân khúc hoạt động như vậy, sẽ có 4 mô hình hoạt động của một công ty bán dẫn hoặc chỉ tập trung vào một phân khúc hoặc mô hình sản xuất tích hợp thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất. Về đầu vào của chuỗi giá trị, việc thiết kế, sản xuất một con chip thực tế đang nằm trong tay một vài trung tâm. Có thể có hàng triệu công ty tham gia vào phân khúc này nhưng chỉ có 2 - 3 công ty chiếm lĩnh 85% thị trường trở lên. Trong bức tranh đó, Mỹ và châu Âu chủ yếu nắm giữ sở hữu trí tuệ, thiết kế. Mỹ và Nhật Bản giữ vai trò quan trọng về các hóa chất và vật liệu. Trong khi đó, hiện hàng loạt chính sách từ ông lớn bán dẫn thế giới là Mỹ khiến bản đồ ngành bán dẫn đang được vẽ lại và đây là cơ hội rất lớn cho VN. Quan trọng nhất, có thể đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ngay trên vai người khổng lồ.

"Trung Quốc đang nỗ lực tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, nhưng vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của Mỹ và "cuộc chiến" này đã diễn ra công khai từ hơn nửa thập niên qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Đây là thời điểm mà chúng ta không thể chậm trễ nữa để chớp lấy cơ hội này", TS Phạm Sỹ Thành nói.

Thế giới đang tiến về phía trước với tốc độ nhanh chưa từng có, VN đã có chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn tương đối rõ ràng, quyết liệt. Nếu không nhanh chóng hành động, và nếu hành động không hiệu quả, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội thêm lần nữa. Đặc biệt, cơ hội cho doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ là rất lớn.

TS Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.