Phạt vậy, sao răn đe?

02/01/2024 05:20 GMT+7

Mới đây, Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT Bình Thuận trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình các đầu xe có đăng ký "xe hợp đồng" trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, phát hiện hàng loạt xe vi phạm tốc độ nhiều lần.

Từ đề xuất của Thanh tra giao thông, Sở GTVT Bình Thuận đã ban hành quyết định thu hồi phù hiệu "xe hợp đồng" đối với hàng loạt xe vi phạm chạy quá tốc độ.

Trong danh sách xe chạy quá tốc độ mà Thanh tra giao thông Bình Thuận cung cấp, có xe của HTX vận tải ô tô Phan Thiết chạy vượt tốc độ tới 213 lần/1.000 km; HTX vận tải Đức Linh cũng có 2 xe vi phạm tốc độ tới 108 lần; Nhà xe Minh Nghĩa có xe vượt tốc độ tới 171 lần…

Điều đáng nói, với những vi phạm như nêu trên nhưng quyết định của cơ quan chức năng chỉ yêu cầu nhà xe nộp lại phù hiệu "xe hợp đồng" sau 7 ngày, kể từ ngày có quyết định; đồng thời yêu cầu "tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác hoạt động của bộ phận quản lý, yêu cầu đội ngũ lái xe chấp hành đúng quy định về tốc độ"… Trong trường hợp nhà xe không nộp lại phù hiệu, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 của Chính phủ...

Có thể thấy, quy định xử lý xe hợp đồng chạy quá tốc độ bị xử lý với hình thức "nộp lại phù hiệu xe hợp đồng, nếu không nộp lại sẽ bị xử phạt" chưa có sức răn đe cao đối với chủ xe vi phạm. Cũng với vi phạm này, nếu lọt vào "tầm ngắm" của hệ thống camera cố định trên tuyến QL1 mà Bộ Công an lắp đặt thì các nhà xe phải nộp tiền phạt rất nhiều, chưa kể tài xế vi phạm có thể bị tước giấy phép lái xe với nhiều khung thời gian, từ 2 - 24 tháng.

Do đó, ngành GTVT cần có quy định cụ thể hơn, siết chặt hơn đối với xe chạy hợp đồng có số lần vi phạm tốc độ quá nhiều như nêu trên. Các biện pháp xử lý phải có tác dụng răn đe, giáo dục, nhất là với những tài xế, nhà xe quá xem thường tính mạng của hành khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.