Phạt 'xe không chính chủ', hiểu sao cho đúng?

02/02/2020 07:18 GMT+7

Với mức phạt có thể tới hàng triệu đồng quy định tại Nghị định 100/2019, câu chuyện phạt “xe không chính chủ” lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, thực tế đang có những cách hiểu chưa đúng về việc xử phạt này.

Khi nào bị phạt?

Trước tiên, phải nói ngay là thực tế không có văn bản pháp luật nào quy định cụm từ “xe không chính chủ”. Khái niệm “xe không chính chủ” hình thành từ việc người dân tự hiểu nôm na rằng sử dụng xe không phải mình đứng tên sở hữu.
Vậy việc sử dụng xe không phải mình đứng tên sở hữu có bị xử phạt? Liệu có phải người dân khi sử dụng xe không mang tên mình đều bị xử phạt hành chính hoặc CSGT có quyền xử phạt “lỗi” này khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường?
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 điều 30, lỗi “xe không chính chủ” là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.
“Luật quy định không phải mọi trường hợp lái xe không phải mình đứng tên chủ sở hữu đều bị phạt. Cụ thể, khoản 10 điều 80 Nghị định 100/2019 nêu, việc xác minh để phát hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế chỉ được thực hiện thông qua 2 trường hợp: công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe”, luật sư Tuấn phân tích.

Xử phạt ra sao?

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường kiểm tra giấy tờ xe, xử lý vi phạm sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình - PV).
Do vậy, cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân... sẽ không cần phải chứng minh, giải thích về chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký xe. CSGT chỉ xử phạt hành vi không làm thủ tục sang tên xe qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT để thực hiện thủ tục sang tên, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.
Một cán bộ làm công tác xử lý vi phạm liên quan đến đăng ký xe thuộc PC08 cho biết bình quân mỗi ngày CSGT TP.HCM lập biên bản khoảng 5 - 6 trường hợp chủ ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô. "Những trường hợp bị phạt lỗi này là do quá 30 ngày so với ngày làm hợp đồng mua bán hoặc ngày xuất hóa đơn công ty mới đến làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe", vị này giải thích.

Mức phạt bao nhiêu?

4. Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;
b) Không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định khi thay đổi địa chỉ của chủ xe;
7. Phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định khi xe đã được cải tạo hoặc khi thay đổi địa chỉ của chủ xe;
l) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.
(Trích điều 30, Nghị định 100/2019)
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.