Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

Lê Cầm
Lê Cầm
09/08/2024 13:23 GMT+7

Anh N.T.L (43 tuổi, ngụ Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) thời gian gần đây có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, thậm chí khó chịu và nôn nao khi ngửi thấy mùi đồ ăn.

Tình trạng trên kéo dài khoảng 2 tuần thì anh có biểu hiện vàng da, vàng mắt ngày càng tăng và nước tiểu sậm màu. Nghi ngờ mắc bệnh gan mật, nên người bệnh đến một bệnh viện tại TP.HCM thăm khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan của người bệnh tăng cao, kết quả CT-scan và MRI bụng cho thấy tình trạng giãn đường mật và có khối choán chỗ nghi do khối u gây tắc mật. Đây là tình trạng cần can thiệp ngoại khoa nên bác sĩ tuyến đầu đã chuyển gửi người bệnh đến Bệnh viện Bình Dân để phẫu thuật.

Tại Bệnh viện Bình Dân, anh L. được xác định là có khối u đoạn cuối ống mật chủ xâm lấn tụy có đường kính khoảng 4 cm gây tắc mật. Anh cho biết đây là lần đầu tiên anh biết về bệnh nguy hiểm này nên rất hoang mang. Sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ về các phương pháp phẫu thuật điều trị và những ưu điểm của phương pháp phẫu thuật robot, người bệnh quyết định chọn hướng điều trị là phẫu thuật robot cắt khối tá tụy.

Ngày 9.8, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tạ Quyết, Trưởng khoa Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Bình Dân, cho biết ống mật chủ là ống nối gan với ruột, dẫn dịch mật từ gan, qua tuyến tụy đổ vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Khi tắc mật, người bệnh diễn tiến viêm gan, viêm tụy và xuất hiện triệu chứng như vàng da, vàng mắt tăng dần, nước tiểu vàng, phân nhạt màu và ngứa, sụt cân, đau bụng vùng trên rốn và dưới sườn phải. Trong tình huống của người bệnh, phẫu thuật cắt khối tá tụy là phương pháp điều trị duy nhất để loại bỏ khối u ở đoạn cuối ống mật chủ.

Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ- Ảnh 1.

Người bệnh tái khám với bác sĩ Quyết sau phẫu thuật

N.T

Nhờ sự hỗ trợ của robot, người bệnh được phẫu thuật cắt khối tá tụy kèm nạo hạch giúp lấy trọn vẹn khối u cùng hạch vùng di căn sau 6 giờ thực hiện. Tiếp theo, người bệnh được theo dõi và chăm sóc theo chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật như được uống nước sớm trở lại ở ngày hậu phẫu thứ nhất và bắt đầu ăn nhẹ với súp, cháo lỏng ở ngày hậu phẫu thứ 2. Người bệnh diễn biến sau phẫu thuật thuận lợi và được xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 7.

"Trước đây, người bệnh phải trải qua cuộc mổ mở với đường rạch da kéo dài, sau này với sự phát triển của phẫu thuật nội soi đã mang đến nhiều kết quả tốt cho người bệnh. Những năm gần đây, với sự ra đời của các hệ thống robot phẫu thuật, phẫu thuật cắt khối tá tụy tận dụng được các ưu điểm của phẫu thuật robot như hình ảnh phóng đại với không gian 3 chiều, sự linh hoạt của cổ tay robot giúp cho việc phẫu tích tinh tế hơn và thực hiện các miệng nối tái lập lưu thông dễ dàng hơn", bác sĩ Quyết chia sẻ.

Khám sức khỏe định kỳ giúp chủ động phát hiện sớm các khối u ở vùng tụy

Theo bác sĩ Quyết, khám sức khỏe định kỳ và siêu âm bụng có thể phát hiện sớm các khối u ở vùng tụy và u quanh bóng Vater, tá tràng và ống mật chủ. Tuy nhiên, thực tế đáng tiếc là đa số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa sâu về phẫu thuật gan mật tụy như Bệnh viện Bình Dân thường ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân là do một số người dân chưa có ý thức tầm soát sức khỏe định kỳ. Mặt khác, các triệu chứng ban đầu của ung thư vùng quanh bóng Vater thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

U quanh bóng Vater chiếm khoảng 5% các u bướu của ống tiêu hóa nhưng người dân trong cộng đồng có thể ít biết đến. Tại Bệnh viện Bình Dân, mỗi năm các bác sĩ thực hiện khoảng 70-80 trường hợp phẫu thuật cắt khối tá tụy để điều trị ung thư quanh bóng Vater. Theo các bác sĩ, cần xây dựng ý thức tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm hơn. Từ đó, phẫu thuật thuận lợi hơn và tiên lượng sống còn của người bệnh tốt hơn. Ung thư ống mật chủ, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn chưa tiến triển có thể điều trị triệt để thông qua cắt khối tá tụy có tiên lượng sống sau 5 năm khoảng 75%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.