Thất bại của thể thao Việt Nam (TTVN) tại Olympic 2012 đã trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng.
|
Dạo quanh các diễn đàn, hầu như không có sự chỉ trích các vận động viên (VĐV) mà thay vào đó là rất nhiều những lời chia sẻ, động viên để họ đứng dậy sau thất bại. Đặc biệt, tại những mạng xã hội như: Facebook, YuMe, Yahoo Blog, Blogger… có khá nhiều bài viết phân tích, nguyên nhân thất bại, những hiến kế để đạt kết quả cao trong những sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.
“Để phát triển và đủ đẳng cấp tranh tài tại Olympic, TTVN cần thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách nhìn nhận vấn đề”, bài viết của Hội những người đồng hành cùng thể thao Việt Nam trên Facebook nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, đồng thời được chia sẻ rất nhiều, thu hút hàng trăm ý kiến. Mọi người bình luận: Thất bại lần này đã chỉ rõ quan điểm đầu tư sai lầm của TTVN khi chỉ có tham vọng duy trì vị thế trong nền thể thao Đông Nam Á, trong khi sân chơi này mang tính hội làng là chính. “Nếu cứ chăm chăm vào một giải đấu nặng tính vui chơi như thế rất khó để phát triển toàn diện, đạt thành tích cao tại Olympic”, thành viên Trường Giang viết. Trường Giang đã đưa ra dẫn chứng cụ thể về việc này khi những VĐV Quý Phước (bơi), Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh)…, dù thống trị SEA Games nhưng đều mất suất đi Olympic.
Nhiều Fan Page (trang dành cho người hâm mộ) trên Facebook đã có những bản khảo sát về nguyên nhân thất bại của TTVN tại Olympic lần này. Tại đây, ý kiến “bắt nguồn từ những sai lầm của các nhà quản lý khi được đầu tư quá hời hợt và thiếu trọng điểm” được dân mạng lựa chọn nhiều nhất.
Theo các thành viên diễn đàn truongton.net, ngay từ lúc này, những nhà quản lý cần hoạch định môn thể thao phù hợp tố chất cho VĐV. Có thành viên so sánh: tại Olympic lần này, những nước ở Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Indonesia đều có huy chương. Xét tố chất, cả 3 đối thủ trên đều có thể hình, thể lực ngang bằng Việt Nam. Nếu như Thái Lan hay Indonesia biết chọn môn thể thao phù hợp với tố chất của mình thì Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề này. Hay như Trung Quốc, thay vì đua tranh những môn thiên về sức mạnh, thể chất thì họ chọn môn đòi hỏi sự khéo léo, chuẩn xác và kỹ thuật, tập trung đầu tư phát triển những môn: bóng bàn, cầu lông, nhảy cầu... nên gần như họ chiếm trọn những bộ huy chương. Các thành viên cũng kể về cách đầu tư của Singapore khi lãnh đạo ngành thể thao nước này cho các VĐV tập huấn tại nước Anh để làm quen khí hậu ở đảo quốc sương mù. Đồng thời liên kết các viện nghiên cứu hàng đầu về dinh dưỡng, y học để nâng tầm cho VĐV nước nhà… Mọi người cho rằng, đây chính là bài học bổ ích mà TTVN cần tham khảo.
Các thành viên của ngoinhachung.net “tám” với nhau về những câu chuyện buồn như của đô vật Nguyễn Thị Lụa: gần như không được đầu tư gì để giành thành tích tại Olympic; Hà Thanh (thể dục dụng cụ) vừa thiếu HLV vừa thiếu cả dụng cụ tập luyện; Thanh Phúc (đi bộ) không có cơ hội tham dự nhiều giải đấu để cọ xát tích lũy kinh nghiệm; Ngân Thương (thể dục dụng cụ) không được chữa trị chấn thương; Tiến Minh (cầu lông) thất bại vì không vượt qua điểm yếu tâm lý… để đưa ra thông điệp: cần phải đầu tư tốt hơn như: ăn ở, luyện tập, dụng cụ tập luyện, huấn luyện viên…
Hội những người đồng hành cùng thể thao Việt Nam hy vọng, sau thất bại tại Olympic 2012, lãnh đạo đầu ngành TTVN sẽ có kế hoạch bỏ bớt những môn thể thao dàn trải, thiếu khả năng giành huy chương Olympic, thay vào đó cần đầu tư ngay cho Olympic 2016 bằng cách đầu tư trọng điểm một cách khoa học, có tính dài hơi những môn: điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, vật, các môn võ… để có thể tạo ra những VĐV đủ sức tranh tài ở đẳng cấp thể giới, đua tranh huy chương Olympic 2016.
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận “Đây là những thất bại đã được dự báo trước. Thể thao Việt Nam cần phải thay đổi tầm nhìn và chiến lược”. (HoangThong Tran/Facebook) “Lãnh đạo đầu ngành TTVN phải nhìn thẳng nói thật, đừng né tránh thất bại hoàn toàn này. Phải rũ bỏ tư duy “đi tắt, đón đầu”, chạy theo bệnh thành tích với các giải pháp tình thế để thích ứng khó khăn trước mắt, mà bỏ quên chăm chút cho cái gốc lâu dài...”. (DungDuong/vietsport.vn) “Việt Nam không cần nhập tịch các VĐV nước khác để thỏa ước mơ huy chương bởi có nhiều VĐV gốc Việt như: Carol Huỳnh (VĐV đô vật Canada) hay Marcel Nguyễn (VĐV thể dục dụng cụ của Đức) đã khẳng định trình độ người Việt không hề thua kém bất cứ nước nào. Thế nên, việc đầu tư mới là vấn đề cốt yếu”. (Hoang Vinh/thethao.net.vn) |
Bình luận (0)