Sổ tay

Phê bình 'mạng' văng mạng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/12/2023 07:44 GMT+7

Ngày 12.12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư tổ chức "Hội thảo khoa học Lý luận phê bình văn học VN 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: thực trạng và định hướng phát triển".

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng đang có tình trạng phê bình "mạng" rất văng mạng. TS Huỳnh Vũ Lam, Trường ĐH Trà Vinh, đã trích dẫn nhiều câu của một facebooker về thơ trong sách giáo khoa và đánh giá: "Hầu hết là mượn thơ để ngạo đời, chửi giáo viên, mắng giáo dục". TS Lam cũng nêu hiện tượng có nhà phê bình ngày này qua tháng kia ra rả những lời rủa sả các bậc cao niên, thậm chí những người đã qua đời. 

Cũng theo TS Huỳnh Vũ Lam, phê bình mạng hiện đang lớn nhanh và khó kiểm soát. "Trên mạng xã hội, trung bình khoảng 10 ngày, sẽ có một xu hướng, lôi kéo rất nhiều người bình luận và chia sẻ. Phê bình văn học nghệ thuật mạng cũng vì thế mà ăn theo, trở thành những "vụ việc" đình đám, những hot trend (xu hướng nổi cộm)", TS Lam cho biết.

Theo TS Lam, điều này dẫn đến việc văn chương được tô vẽ, bình luận, tung hô một cách khá nhiệt tình nhưng cuối cùng vẫn là công kích cá nhân. Thậm chí, để phê bình phim, có người chưa từng đi xem phim cũng bình luận "văng mạng" theo những ý kiến người khác, rồi quy chụp, "lật sử". "Cứ thế trung bình 10 ngày lại có một "vụ" trên mạng xã hội. Có một số sự kiện liên quan đến văn học nghệ thuật diễn ra trên mạng. Phê bình mạng cứ thế gặm nhấm những buồn vui của người đọc VN, làm phai dần những trạng thái trí tuệ khi thưởng thức tác phẩm phê bình văn học, nghệ thuật", TS Lam nêu quan điểm.

Với âm nhạc, phê bình cũng có nhiều điều phải làm. Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu (Hội Nhạc sĩ VN) cho rằng sự mở rộng môi trường âm nhạc số và diễn đàn bình luận âm nhạc trên mạng đòi hỏi giới nhạc, đặc biệt là các nhà phê bình, phải đối mặt với nhiều thách thức. Bà Châu cũng nêu 3 vấn đề: thứ nhất, hiện trạng mất cân đối giữa nhạc chính thống và nhạc thị trường, giữa nhạc hát và nhạc đàn; thứ hai, sự nhiễu loạn thông tin, loạn chuẩn giá trị âm nhạc; thứ ba, hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả.

"Các sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội và nền tảng số đều được đánh giá bằng số lượt truy cập. Khi giá trị tác phẩm do số đông quyết định thì càng khó với tới kiệt tác âm nhạc đỉnh cao. Quá nhiều thông tin trái chiều gây ô nhiễm môi trường âm nhạc, dẫn đến lệch lạc thẩm mỹ đại chúng", bà Châu nói và cho rằng rất cần những bài phê bình viết dễ hiểu để công chúng tiếp cận.

TS Huỳnh Vũ Lam đánh giá thêm: "Giáo viên ngữ văn không chỉ cầm sách mà còn cần phải biết làm một facebooker để định hướng học sinh. Và đến lúc tất cả những người làm phê bình văn học, nghệ thuật cần phải đổi mới tiếp cận bạn đọc, mạnh dạn viết gọn lại, xé nhỏ vấn đề, hòa theo nhịp xu hướng để mong vớt vát lại những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật trên dòng thác mạng xã hội. Muốn thế, nhà phê bình không chỉ dựa vào chuyên môn mà phải có bản lĩnh và tâm lý vững vàng khi bước vào phê bình mạng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.