Theo nguồn tin, các cảnh báo trên được phe đảo chính Niger gửi đến Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong lúc bà đang có chuyến công du đến nước này.
Mối đe dọa đối với Tổng thống Bazoum làm tăng rủi ro xung đột giữa Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và chính quyền quân sự Niger khi 2 bên đều cho thấy dấu hiệu sẵn sàng leo thang căng thẳng.
Trước đó, theo Reuters, 9 nhà lãnh đạo từ khối 15 thành viên Tây Phi ngày 10.8 đã gặp nhau tại thủ đô Abuja của Nigeria để thảo luận về các bước tiếp theo.
Phát biểu sau cuộc hội đàm, Chủ tịch ECOWAS Omar Alieu Touray cho biết ông chỉ có thể tái khẳng định quyết định của "các nhà chức trách quân sự trong tiểu vùng về việc triển khai một lực lượng dự phòng của cộng đồng".
Ông Touray nói vấn đề tài chính đã được thảo luận và "các biện pháp thích hợp đã được thực hiện". Ông cũng tiết lộ các hành động tiếp theo của khối sẽ được triển khai một cách thống nhất.
Một cựu quan chức quân đội Anh từng làm việc tại Nigeria nói với AP rằng tuyên bố của ECOWAS có thể được coi là bật đèn xanh để bắt đầu tập hợp lực lượng với mục đích cuối cùng là khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ lực lượng sẽ được tài trợ như thế nào, quốc gia nào sẽ tham gia hoặc bao nhiêu binh sĩ được huy động.
ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế đi lại đối với Niger, nhưng các nhà phân tích nói rằng họ có thể sắp hết các lựa chọn khi sự ủng hộ can thiệp mất dần. Khối đã thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc đảo chính trong khu vực. Niger là quốc gia thành viên thứ 4 của ECOWAS trải qua một cuộc đảo chính trong 3 năm qua, theo AP.
Các nhà phân tích an ninh cho biết một lực lượng khu vực có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn để tập hợp, có khả năng tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán. Trong khi đó, Liên minh châu Phi vẫn chưa cân nhắc về cuộc khủng hoảng này.
Bình luận (0)