Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của họa sĩ Daisuke Igarashi, A little forest gồm 4 phần Xuân, Hạ, Thu, Đông được tách thành 2 phim đôi. Phần đầu là Summer/Autumn ra mắt năm 2014. Phần sau là Winter/Spring vừa công chiếu năm rồi.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Ichiko ở giai đoạn cô chọn Komori - vùng quê yên tĩnh nằm dưới chân núi Tohoku, nơi mà cô từng gắn bó tuổi thơ của mình để sống. Ichiko đã tự nuôi trồng và chế biến thực phẩm theo mô hình truyền thống và hữu cơ - xu hướng đang làm mưa làm gió trên thị trường VN. Nếu ai đã từng say mê cuốn sách Cuộc cách mạng Một - cọng - rơm của Masanobu Fukuoka thì hãy xem A little forest như một sự hóa thân của những con chữ thành hình ảnh vô cùng sống động. Nhưng A little forest không chỉ đơn giản là phim giới thiệu về văn hóa ẩm thực độc đáo của Nhật Bản. Nền điện ảnh Nhật Bản bao đời nay vẫn lạ lùng như thế, cho dù bạo liệt hay nhẹ nhàng thì vẫn không bỏ qua được hơi thở của Thiền - một thứ gần như đã bao trùm lên cuộc sống của xứ sở phù tang. Khác xa phim Hollywood và tham vọng chống lại tự nhiên của người Mỹ, A little forest tràn ngập tinh thần đạo Lão, tức là thiên nhiên với con người chính là một, nương tựa và hòa hợp lẫn nhau. Thế nên, dù thiên nhiên trong A little forest có những lúc khắc nghiệt tận cùng thì người ta vẫn thấy được sự dịu dàng như nước của nó.
|
"Komori là một khu định cư nhỏ nằm ở một ngôi làng vùng Tohuku. Nơi đây không có cửa hàng. Bạn có thể mua vài thứ lặt vặt ở một siêu thị hợp tác của các nông dân trong vùng hoặc có thể mua tại các cửa hàng ở trung tâm làng, nơi có tòa thị chính. Đường đến đó phần lớn là dốc xuống, chỉ đạp xe 30 phút là đến. Nhưng quay về thì tôi không biết phải mất bao lâu. Trong suốt mùa đông, bạn phải đi bộ vì trời tuyết…". Đấy là câu mở đầu cho từng chapter của bộ phim, tự thoại của nhân vật Ichiko. Bao giờ cũng thế, hình ảnh Ichiko đạp xe đạp mải miết trên con đường rợp bóng cây xanh sẽ hiện ra ngay sau đó, và như cô nói, chỉ trừ mỗi mùa đông. Chiếc xe đạp đưa Ichiko từ đâu đó, siêu thị hoặc cửa hàng, hoặc một nơi xa xôi hơn, luôn đưa Ichiko đến căn nhà nhỏ bằng gỗ của mình với khu vườn của mình.
|
|
Một vài flash back ngắn ngủi đủ để tóm gọn được cuộc đời Ichiko từ thuở bé cho đến khoảnh khắc hiện tại. Sau khi bị mẹ bỏ rơi, cùng sự háo hức của tuổi trẻ, cô đã bỏ quê lên Tokyo học tập và làm việc. Nhưng dường như, nỗi đau là một thứ gì đó nằm sâu bên trong tâm hồn chúng ta, chứ không phải ở những gì chúng ta bỏ lại. Ichiko cuối cùng cũng nhận ra điều đó. Thế rồi, cô trở lại Komori. Và bên ngoài xúc cảm dành cho thành công hay thất bại về những cuộc thử nghiệm nấu nướng, người ta còn bắt gặp ở Ichiko một sự mâu thuẫn lớn lao trong mối quan hệ với mảnh đất Komori. Tất cả mọi thứ, từ việc Ichiko cấy lúa, trồng khoai, nhặt hạt, bắt cá, mổ vịt… đều là một sự cám dỗ ngọt ngào dẫn dắt người ta đến nội tâm của cô. Phần lớn lời thoại trong A little forest là những lời giải thích chi tiết về văn hóa ẩm thực Nhật Bản, song qua những thước phim đầy sự thấu hiểu bản chất mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, những gì người xem nghe được sẽ nhiều hơn thế. Càng nương náu vào Komori, Ichilko lại càng dâng tràn một nỗi mặc cảm ăn năn vì từng bỏ mảnh đất này mà đi. Và suốt hai phần ba tác phẩm, Ichiko cứ loay hoay với dòng suy nghĩ, mẹ cô có ăn năn vì đã bỏ cô ở lại, như cô bây giờ?
|
Không thể chắc rằng, liệu khi bắt đầu hành trình sinh tồn tự túc ở Komori, Ichiko có ý thức được sự chữa lành của thiên nhiên? Những ngày tháng lặp lại cùng những món ăn đang được hoàn thiện là sợi dây nối kết Ichiko và người mẹ ngày xưa. Ở đâu đấy trên bàn ăn, cô gái trẻ chạm được tới những thầm kín của mẹ mình, những bế tắc hay khao khát về một cuộc ra đi. Nó không giống cuộc ra đi thứ nhất của Ichiko, khi cô còn chưa nhìn thấu được chính mình. Nhưng đất đai và thiên nhiên không như những người tình nhân thế yếu đuối, chúng luôn kiên nhẫn chờ đợi con người hiểu rõ bản thân họ, trước khi họ chọn lựa ở lại. Ichiko cứ sắp đặt cho mình những cuộc đi, lần hai, thậm chí lần ba nếu cô muốn. Đi bởi giận dữ, đi bởi chán chường, đi bởi chạy trốn…, có hàng trăm lý do để người ta bỏ một người hay một nơi để đi. Tuy nhiên, để ở lại, người ta cần thấu hiểu.
Cuộc sống chỉ có thế, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Vào một ngày mùa xuân, Ichiko ra đi và một ngày mùa xuân khác, Ichiko trở về.
Bình luận (0)