Cũng giống như kết quả của kỳ khảo sát Pisa 2 năm trước, đa số mọi người có thái độ hoài nghi trước thông tin VN được xếp vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện, sẽ chính thức công bố vào tuần sau.
Người lạc quan cho rằng kết quả này phản ánh chất lượng giáo dục phổ thông của VN. Nhưng nếu lướt qua các ý kiến trong 2 ngày vừa qua về vấn đề này, có thể thấy số lượng này rất ít.
Người bi quan lại cho rằng kết quả khảo sát này không đáng tin cậy. Họ hoài nghi về tập mẫu (quy trình tuyển chọn các học sinh (HS) tham gia kỳ thi), về sự trung thực trong quá trình khảo sát. Một vài người còn đặt vấn đề rằng nếu chất lượng đã tốt như vậy, tại sao chúng ta lại phải thực hiện việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà?
Nếu từ kết quả này để nói rằng chất lượng giáo dục phổ thông của VN tốt là một sự suy diễn. Có thể kể ra một ví dụ tương tự thường thấy cho cách suy diễn này là quốc gia đạt được nhiều huy chương vàng toán quốc tế thì trình độ của nền toán học quốc gia đó phải cao. Cần khẳng định là chưa thấy có công trình nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ một cách tường minh mối liên hệ giữa kết quả khảo sát về toán và khoa học với chất lượng của nền giáo dục quốc gia. Cũng như việc đoạt nhiều huy chương vàng về toán quốc tế chưa đủ thông tin để khẳng định trình độ cao của nền toán học quốc gia đó.
Vì vậy, kết quả này cho thấy kiến thức về toán và khoa học của HS VN ở lứa tuổi 15 đã được trang bị đầy đủ và các em đã tiếp thu hiệu quả hơn so với HS cùng lứa tuổi ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Anh và Úc… Hay nói cách khác, cho thấy khối lượng kiến thức, phương pháp truyền đạt và thời gian học tập cho cùng đối tượng HS độ tuổi 15 ở mỗi quốc gia là khác nhau. Kết quả này không có nghĩa là năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sống… của HS VN tốt hơn. Hay rộng ra là chất lượng nền giáo dục phổ thông của VN tốt hơn các nước tiên tiến này.
Như bất kỳ cuộc thi nào, chúng ta có quyền tự hào về thành tích mà HS VN đã đạt được từ kết quả khảo sát này. Tuy nhiên chúng ta không nên ảo tưởng xem đây là nền tảng để phát triển giáo dục theo hướng này trong quá trình cải cách giáo dục đang diễn ra.
Những kết quả như thế này và thái độ của người dân trước bảng xếp hạng như là phép thử cho lãnh đạo của ngành giáo dục VN. Có lẽ chỉ những người đang trực tiếp làm trong ngành mới hiểu rõ chất lượng thật sự của nền giáo dục và những gì chúng ta còn thiếu.
Giáo dục phổ thông tuy thỉnh thoảng le lói một số thành tích nhưng vẫn còn quá nhiều điều bất cập và thiếu bền vững. Giáo dục đại học còn lắm ngổn ngang và khoảng cách quá xa với các nước tiên tiến. Nhưng điều quan trọng nhất làm thế nào tạo dựng một niềm tin cho giáo dục nước nhà. Để trước những thông tin như thế này người ta vui chứ không mỉa mai, nghi ngờ.
Bình luận (0)