Phép vua thua lệ làng - Kỳ 3: Phạt nặng tội 'phá hoại hạnh phúc'

21/08/2015 05:59 GMT+7

Nữ từ 20 tuổi, nam từ 22 tuổi mới được kết hôn. Đó là quy ước của thôn Bình Lộc (xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) từ khi lập làng đến nay. Đặc biệt, quy ước phạt nặng những phụ nữ không chồng làm ảnh hưởng hạnh phúc người khác.

Nữ từ 20 tuổi, nam từ 22 tuổi mới được kết hôn. Đó là quy ước của thôn Bình Lộc (xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) từ khi lập làng đến nay. Đặc biệt, quy ước phạt nặng những phụ nữ không chồng làm ảnh hưởng hạnh phúc người khác.

Ông Huỳnh Văn An, Trưởng thôn Bình Lộc đọc bản quy ước của làng quy định nữ từ 20 tuổi, nam từ 22 tuổi mới được kết hôn - Ảnh: Tuyết Khoa
Ông Huỳnh Văn An, Trưởng thôn Bình Lộc đọc bản quy ước của làng quy định nữ từ 20 tuổi,
nam từ 22 tuổi mới được kết hôn - Ảnh: Tuyết Khoa
Bình Lộc là một thôn nhỏ nằm trên gò đồi, ở nơi xa nhất của xã miền núi Bình Điền. Đây là vùng kinh tế mới được thành lập vào năm 1976. Cư dân vốn là người thị thành gồm phường Thuận Thành, Tây Lộc và Thuận Lộc (TP.Huế).
Họ lên khai phá rừng hoang, tháo gỡ bom mìn, dựng nhà, lập vườn, tạo dựng cuộc sống mới. Ngày mới lập làng, thôn có 54 hộ, được chia thành các đội sản xuất. Đến nay, thôn đã có 98 hộ với trên 400 khẩu. Những quy định, quy ước dần được hình thành, tuy không có văn bản cụ thể nhưng mọi người vẫn ngầm hiểu với nhau, trong đó có quy định về độ tuổi kết hôn, nữ từ 20 tuổi, nam từ 22 tuổi.
Nói về điều này, cụ Văn Thị Chuối (83 tuổi) kể: “Ngày đó mới lên, vùng này hoang vu lắm, chỉ có cây cối, tranh lau đan nhau không có lối đi. Mới giải phóng, tinh thần lao động đang hăng say nên khi nghe đi vùng kinh tế mới, vợ chồng tui cũng hăng hái lên đường. Rời phố thị đặt chân lên vùng đất hoang, không ít người chùn bước. Những túp lều bằng lá và thân cây được dựng lên. Người dân chia thành các đội sản xuất, thi đua lao động. Chỉ cần có cái ăn là đã hạnh phúc. Bởi rứa con cái lớn lên phải cứng cựa, biết lo lắng, biết làm rừng làm rẫy, có chút vốn liếng thì mới cho cưới. Dưới 20 tuổi còn non lắm, dại lắm. Cưới nhau về lấy chi mà ăn và nuôi con nuôi cái”.
Theo cụ Chuối, hiếm có cha mẹ nào cưới vợ gả chồng sớm cho con. Nếu có đôi nam nữ nào yêu thương nhau, khi ra mắt hai họ thì hai bên gia đình đều nhất trí phải qua 20 tuổi mới được cưới. “Như con cái tôi, lấy ngoài làng có, trong làng có. Khi nhà trai đến xin cưới, gia đình tôi cũng đề nghị hai đứa còn nhỏ, thương nhau thì cứ thương. Nhưng qua 20 tuổi, tôi mới gả. Lấy nhau là chuyện đại sự cả đời, không thể thích cưới là cưới được”, cụ Chuối nhấn mạnh.
Song mọi quy định ấy trước đây chỉ là sự thỏa thuận của gia đình, làng tộc. Đến năm 1999, bản quy ước về làng văn hóa ghi rõ nữ từ 20 tuổi, nam từ 22 tuổi mới được kết hôn và nhận được sự đồng tình của người dân.
Ông Huỳnh Văn An, Trưởng thôn Bình Lộc, cho biết: “Từ xưa đến nay, dân làng Bình Lộc thường xây dựng gia đình muộn hơn so với các làng khác. Điều này, một phần do đây là vùng kinh tế mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng lâm nghiệp như trồng keo, trồng cao su, khai hoang trồng rừng, làm thuê, làm mướn... Ai cũng mong muốn ổn định kinh tế rồi mới dựng vợ gả chồng. Với lại, người dân vốn là những lao động xông xáo đi kinh tế mới, xây dựng cuộc sống mới nên rất coi trọng việc thi đua sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa...”.
Không chỉ quy định độ tuổi kết hôn, quy ước làng Bình Lộc còn ghi rõ, phụ nữ trên 30 tuổi mà không có chồng, có quyền làm mẹ và chỉ được sinh một con, đồng thời phải đảm bảo hạnh phúc của người khác.
Trong căn nhà bên triền đồi, cụ Nguyễn Cứ (86 tuổi) nói: “Ngoài những điều pháp luật đã quy định thì thôn làng cũng dùng lệ làng để quản lý cộng đồng. Trong những điều cấm kỵ của làng thì tội phá hoại hạnh phúc người khác bị thôn làng phê phán nặng. Vì thế mới có quy định về phụ nữ trên 30 tuổi mà không có chồng, có quyền làm mẹ và chỉ được sinh một con, đồng thời phải đảm bảo hạnh phúc của người khác”.
Cụ Cứ kể hơn 50 năm nay hiếm có trường hợp nào vi phạm điều này. Nếu vi phạm sẽ bị kiểm điểm trước thôn. Nếu vụ việc này gây ra sự ồn ào giữa các gia đình thì sẽ bị nêu tên trên truyền thanh thôn và viết cam kết không vi phạm, cha mẹ phải có trách nhiệm dạy dỗ lại con cái. Ngày trước ít ai vi phạm bởi không chồng mà chửa là tội nặng. Nhưng gần đây thì có 3 trường hợp. Nhưng không phải là người đang cư trú ở thôn mà những trường hợp này đều đi làm ăn xa, có người 30 tuổi, có người chưa đến.
Dù là một làng mới nhưng lệ làng Bình Lộc vẫn hiện hữu trong cuộc sống người dân như luật bất thành văn. Có lẽ vì thế, nên Bình Lộc luôn là một thôn văn hóa tiêu biểu trên địa bàn. Bình Lộc cũng là thôn đầu tiên của xã Bình Điền đạt thôn văn hóa cấp tỉnh năm 2001. Năm đó, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ có 28 thôn được công nhận đạt chuẩn.
Tuy nhiên, năm trước, khi làm lại bản quy ước làng văn hóa, để đúng luật Hôn nhân gia đình, thôn đã họp bàn sửa đổi tuổi kết hôn, nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi. Ngoài ra, quy định phụ nữ trên 30 tuổi mà không có chồng, có quyền làm mẹ và chỉ được sinh một con, đồng thời phải đảm bảo hạnh phúc của người khác cũng rút ngắn lại. Quy định chỉ nêu không phá hoại hạnh phúc người khác.
“Dù sửa đổi thì dân làng ở đây vẫn kết hôn muộn hơn tuổi quy định của pháp luật. Hiếm có trường hợp nào kết hôn sớm bởi ông bà, cha mẹ không đồng ý...”, cụ Cứ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.