Phép vua thua lệ làng - Kỳ 4: Lệ làng... Thủ Lễ

11/09/2015 10:08 GMT+7

Những ngày lễ của làng, nếu ai gây mất trật tự sẽ bị phạt bằng mâm trầu rượu và ra trước làng xin lỗi. Đó là lệ làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế).

Những ngày lễ của làng, nếu ai gây mất trật tự sẽ bị phạt bằng mâm trầu rượu và ra trước làng xin lỗi. Đó là lệ làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế).

Hội vật truyền thống diễn ra hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch
Hội vật truyền thống diễn ra hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch - Ảnh: Tuyết Khoa
Tôn nghiêm
Theo sử sách của làng, Thủ Lễ có nghĩa là “giữ lễ”. Ngay tên gọi của làng đã thể hiện truyền thống tôn trọng lễ nghĩa, đề cao lối sống trọng phép tắc của người xưa.
Truyền thống ấy vẫn được con cháu bao đời gìn giữ. Cho đến nay, vẫn còn đó những tên đất, tên làng còn lưu truyền trong cách gọi tên của bà con Thủ Lễ về những cánh đồng như xứ Bàn Đất, xứ Bà Lệ, xứ Bàn Hà, xứ Bàn Thủy, xứ Hói Đen, xứ Chà Bà, xứ Cửa Miếu...
Hằng năm, làng tổ chức những ngày lễ tế, cúng kính như tế Võ thánh, Văn thánh, tế làng, hội chùa... Đặc biệt, cứ 3 năm lại đáo lệ một lần. Đáo lệ là lễ cúng cô hồn, những người không nơi nương tựa, diễn ra trong 3 ngày đêm. Lễ cúng này được con cháu khắp nơi tập trung về dự. Làng làm đến gần 30 con bò để cúng và dọn cho dân làng.
Những ngày cúng tế được xem như ngày hội làng. Dân làng ăn mặc chỉnh tề, bậc cao niên hay có chức sắc trong làng phải mang áo dài khăn đóng.
Thủ Lễ là một làng thuần nông và có lịch sử hơn 400 năm nay, nhưng địa giới lại thuộc hai đơn vị hành chính gồm xã Quảng Phước và thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền). Ngôi làng cổ này vẫn giữ được những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống như hội vật nổi tiếng khắp xứ. Hiện nay, làng có 14 họ tộc. Những ngôi nhà thờ họ được con cháu giữ gìn chu đáo, nhiều họ còn có những cách làm hay để giáo dục con cháu giữ nếp nhà bởi làng có truyền thống giữ lễ. Đặc biệt lễ này thể hiện rõ ở việc tôn trọng việc làng việc nước.
Có một quy định rất nghiêm ngặt hiện nay dân làng Thủ Lễ vẫn tuân theo, đó là hết sức tôn nghiêm trong cúng tế. Cụ thể, trong những ngày diễn ra lễ cúng tế, nếu ai gây ồn ào, rượu chè cờ bạc mất trật tự làng xóm sẽ bị bắt vạ.
Cụ Ngô Thời Phong (82 tuổi), Trưởng làng Thủ Lễ cho biết: “Trong bản Cấm điều Thủ Lễ được lập năm 1925 còn lưu lại hiện nay như bản hương ước của làng có nhiều điều quy định về sự tôn nghiêm, đúng lễ nghi của việc làng, việc cúng tế. Ai vi phạm đều bị phạt nặng”.
Phạt giữa làng...
Ngày nay, người dân trong làng vẫn truyền miệng câu chuyện về chiếc cùm chân được đặt ở đình làng. Trong những ngày lễ tế, lễ cúng truyền thống hay những ngày hội vật, đua ghe, nếu ai gây ồn ào làm mất trật tự giữa làng giữa xóm sẽ bị làng cùm chân và cột vào một chiếc nọc bằng tre. Gia đình phải mang trầu rượu đến làng xin mang về dạy dỗ thì làng mới họp bàn mở cùm chân. Quy định này như luật bất thành văn của làng nên hiếm có ai dám vi phạm.
Ông Hồ Đăng Dật, thành viên Ban nghi lễ làng Thủ Lễ kể: “Không biết chuyện có từ bao giờ nhưng nghe kể lại rằng, ngày xưa có một người Thủ Lễ đi làm ăn xa về thăm làng. Đúng dịp thu tế, lễ lớn của làng, ông này cúng làng rất nhiều trâu bò để làng làm tiệc. Khi làm lễ, do có chút men nên ông ăn nói có đôi lời sỗ sàng, văng tục liền bị cùm chân giữa đình làng, cho dù có đóng góp, được ghi vào sổ vàng nhưng khi vi phạm vẫn bị xử phạt, bắt vạ. Ông này bị cấm tham gia lễ tế năm tiếp theo như lời răn cho dân làng biết đó để lấy làm gương”.
Hiện nay, chiếc cùm chân đã không còn hiện hữu nhưng vẫn còn trong trí nhớ của người Thủ Lễ cùng những câu chuyện như lời dạy con cháu. Tuy vây, việc bắt vạ do gây ồn ào vẫn còn. Làng sẽ bắt vạ bằng mâm trầu rượu cùng lời xin lỗi của gia đình và lời hứa của người vi phạm sẽ không tái phạm.
“Phạt tiền phạt lúa người ta không sợ. Còn phạt giữa làng với mâm trầu rượu thì ai cũng sợ. Bởi sống ở làng, ai cũng xấu hổ khi bị bêu tên giữa làng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự bản thân mà còn ảnh hưởng đến cha mẹ, gia đình, dòng tộc. Bởi thế từ xưa đến nay, lúc tế lễ luôn phải giữ không khí tôn nghiêm. Xong lễ, mổ trâu mổ bò cả dân làng tập trung ăn tiệc, cười nói, hát hò…”, cụ Nguyễn Thị Hói (75 tuổi, trú tại thôn Thủ Lệ Nam) diễn giải về văn hóa truyền thống của lệ làng Thủ Lễ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.