Chị Hằng, người đang ở một căn hộ 106 m2 tại 88, Láng Hạ (Q.Đống Đa) cho biết, mỗi tháng, tiền gửi xe, phí dịch vụ tính theo diện tích căn hộ, tiền điện, tiền sử dụng bể bơi, phòng tập thể dục… của gia đình là 8 triệu đồng. Trong đó, tiền gửi 2 ô tô 4 triệu, tiền phí dịch vụ xấp xỉ 1 triệu, 1 triệu cho phí sử dụng bể bơi, phòng tập thể dục… cho một người/tháng (số tiền này đã đóng thành một gói 50 triệu đồng cho 5 năm sử dụng dịch vụ/người ngay từ khi nhận căn hộ).
|
Tại Keangnam, phí dịch vụ tại toà nhà là 16.500 đồng/m2, phí gửi ô tô mỗi tháng là 875.000 đồng/xe (mức phí này đã được rút xuống so với đề nghị ban đầu của ban quản lý toà nhà và sau đó bị cư dân phản đối), tiền điện 2 - 3 triệu đồng/tháng. Tính sơ sơ, mỗi tháng gia đình phải chi 5 - 6 triệu đồng cho các loại phí và tiền dịch vụ. Tương tự, chủ một căn hộ thuộc toà nhà Artex building 172 Ngọc Khánh (Q.Ba Đình) cho hay, hơn 1 năm nay, phí dịch vụ “đồng hạng” là 350.000 đồng/tháng, không phân biệt diện tích hay tính đầu người, cộng với phí trông giữ ô tô 1,2 triệu đồng, mỗi tháng, gia đình phải chi khoảng 2,5-3 triệu đồng tiền cho các dịch vụ.
Tuy nhiên, điều làm phiền lòng những người sống ở chung cư cao cấp còn là việc thiếu minh bạch trong việc tính phí dịch vụ hoặc tăng giá dịch vụ. Hiếm hoi mới có một đơn vị làm tốt việc này như chung cư The Manor Mỹ Đình (H.Từ Liêm), cư dân đã thoả thuận với chủ đầu tư dự án thuê một đơn vị thứ 3 để quản lý toà nhà. Theo đó, phí dịch vụ được các hộ dân “khoán” cho đơn vị quản lý là 10.000 đồng/m2 (năm 2011 là 8.000 đồng/m2), điện nước tính theo công tơ riêng, phí trông giữ xe ô tô tính theo mức ở ngoại thành như quy định của UBNDTP (875.000 đồng/xe/tháng).
Không nên bỏ trần phí chung cư
Chủ một căn hộ ở toà Keang Nam cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng trả phí cao hơn mức trần Thành phố quy định, với điều kiện chất lượng phục vụ phải tương xứng. Ở Keangnam, tiền thu cao mà lễ tân còn nói ngọng, có cả mất cắp, đến nỗi trong 40 yêu cầu mà các hộ dân đặt ra để chấp thuận mức phí dịch vụ 16.500 đồng/m2, có cả yêu cầu lễ tân không được nói ngọng”.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều cư dân các chung cư cao cấp cho rằng, đề xuất bỏ trần phí dịch vụ chung cư là không nên vì cho rằng, mục tiêu cao nhất của các chủ đầu tư là lợi nhuận, chưa bỏ trần mà người dân đã phải chịu mức phí áp đặt như hiện nay, nếu bỏ sẽ còn xảy ra nhiều tranh chấp. “Mức trần phí chung cư hiện nay không phù hợp với các chung cư cao cấp, nhưng thay vì bỏ trần, nên quy định riêng trần phí chung cư cao cấp và chung cư bình dân, kèm theo đó là các tiêu chí rõ ràng, cụ thể mức độ phục vụ nào, hạ tầng thế nào mới được gọi là chung cư cao cấp”, một cư dân đang sống tại Keangnam kiến nghị.
Trao đổi với Thanh Niên Online về đề xuất bỏ trần phí dịch vụ chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết hiện Sở đang xin ý kiến Bộ Xây dựng về vấn đề này, khi nào Bộ có văn bản trả lời, sẽ có bàn thảo về các nội dung liên quan. Hiện Sở cũng đang chủ động nghiên cứu những bất cập trong quy định hiện hành để có những đề xuất quy định phù hợp trong quản lý chung cư thời gian tới.
Bảo Cầm
>> TP.HCM đề xuất không ban hành giá trần phí chung cư
>> Có quyền khiếu nại nếu phí chung cư quá cao
>> Gánh nặng "phí chung cư
>> Phí chung cư: Sẽ theo hướng linh hoạt?
>> Phí chung cư được thu như thế nào?
Bình luận (0)