Phía sau câu chuyện người mẹ chăm con dị tật nhận triệu lượt xem trên mạng

05/12/2022 09:09 GMT+7

Không tìm ra bệnh của thai nhi dù làm đủ xét nghiệm suốt thai kỳ, người mẹ trẻ sinh con bị dị tật não, chẻ vòm họng, thiếu máu, 5 tuổi chưa biết đi… Hành trình của chị cùng con suốt 5 năm qua khiến nhiều người xúc động.

Nước mắt và nghị lực

Lấy chồng và mang thai con đầu lòng năm 22 tuổi, chị Đỗ Phương Quỳnh (27 tuổi, quê Cà Mau) đã trải qua một thai kỳ đầy nước mắt khi bác sĩ báo thai nhi có dấu hiệu bất thường từ tuần thứ 24.

Chuỗi ngày mang thai, chăm con đầy nước mắt đã giúp chị Quỳnh biết sức mạnh của tình mẫu tử

Mười tuần sau đó, mỗi tuần vợ chồng chị lại cùng nhau lên TP.HCM thăm khám, khi thì chọc ối, khi chụp MRI, làm đủ các xét nghiệm nhưng chỉ có thông tin chỉ số vòng đầu to bất thường, chiều dài xương đùi nhỏ hơn so với tuần thai, còn bác sĩ vẫn không gọi tên được căn bệnh của thai nhi.

Anh Chương và hai con

NVCC

Chị nhớ lại: “Dù có thế nào vẫn là con mình nên tôi quyết giữ con, mà mỗi lần đi khám về là một lần khóc. Trong thâm tâm tôi xác định con có thể không bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng mỗi lần chọc ối hay chụp MRI thai nhi đều như vết dao cứa thêm vào nỗi đau của mình vì tôi biết như vậy có thể ảnh hưởng đến con”.

Đến khi suy thai, chị vẫn quyết không bỏ mà vào viện mổ bắt con. Thăm khám sau đó, bác sĩ kết luận bé bị dị tật não, hở vòm hầu, thiếu máu.

Được ba mẹ chia sẻ, bé nhỏ (phải) hiểu chuyện và yêu thương, chăm sóc anh

Anh Trần Đình Chương (36 tuổi, chồng chị Quỳnh) cũng chia sẻ, ngày con còn trong bụng, anh chị đã động viên nhau cứ sinh con, trời cho thế nào thì nhận vậy. Dù đau lòng, anh cũng không bao giờ bộc lộ ra trước mặt vợ.

“6 tháng đầu sau sinh, con nằm viện nhiều, vợ chồng tôi cùng nhau chăm con, nhưng do spa vợ tôi là người điều phối chính nên vừa lo cho con vừa làm, còn tôi lui về hẳn để chăm con. Sau này con ổn hơn, không phải nằm viện nữa thì có ông bà hai bên hỗ trợ, nhất là bà ngoại”, anh kể.

Theo lời anh chị, năm nay bé lên 5 tuổi, nhận thức ngang với trẻ chừng 2 - 3 tuổi, nhưng bé rất điềm tĩnh, thể hiện tình yêu thương với các thành viên trong gia đình. Đó là thành quả của những ngày tháng vợ chồng trẻ cùng cố gắng và cũng là động lực cho cả hiện tại, tương lai.

Hạnh phúc của người làm cha mẹ

Gần đây, chị Quỳnh bắt đầu chia sẻ một số hình ảnh đời thường, sự tiến bộ từng ngày của con, câu chuyện làm mẹ của em bé dị tật não lên mạng xã hội và có hàng trăm ngàn hoặc cả triệu lượt xem mỗi clip.

“Tôi đăng clip về con và vỡ òa khi có một số người nhắn tin hỏi số tài khoản để gửi tiền giúp bé, dù hoàn cảnh tôi không khó khăn và các anh chị ấy cũng không hẳn là khá giả. Tôi không nhận nhưng rất hạnh phúc vì tình cảm của mọi người, tôi chia sẻ vì muốn ai đó trong hoàn cảnh tương tự hãy có niềm tin, cố gắng”, chị bày tỏ.

Hạnh phúc với vợ chồng chị trong chuỗi ngày qua là những cột mốc nhìn con phát triển từng ngày. “Trong 1 tiếng tập vật lý trị liệu đầu tiên, nhìn con có thể quỳ trên 4 điểm, vợ chồng tôi nhìn nhau khóc vì hạnh phúc. Ngày con bò được 1 m, cả hai cũng rưng rưng; rồi lần lượt khi con biết bò lên giường, tự đứng dậy bò lên ghế, vợ chồng tôi đều chảy nước mắt vì mừng. Bây giờ con đã có thể dùng đôi giày tập đi cùng dụng cụ hỗ trợ đi được 2 - 3 m. Mỗi hành trình của con như dấu ấn gia đình, chúng tôi cứ vậy mà cố gắng”, chị xúc động.

Anh Chương nói thêm, ngày biết tin vợ mang bầu con thứ hai, anh đã suy nghĩ rất nhiều vì sợ khi sinh thêm con sẽ không đủ thời gian chăm sóc bé lớn, sợ con phải chịu thiệt thòi. Bây giờ, con nhỏ cũng đã 3 tuổi, chững chạc hơn anh trai, nhưng biết anh bị bệnh đã luôn yêu thương, giúp đỡ và chơi cùng anh.

“Ngược lại, bé lớn dù bệnh nhưng hiểu hết những gì người lớn nói. Thấy ba mẹ la em là khóc, bảo vệ em; nhiều lúc vợ chồng tôi bắt gặp khoảnh khắc bé lớn kéo mền đắp cho bé nhỏ, hôn em vào má… hạnh phúc vô cùng”, anh tâm sự.

Theo anh Chương, để con khiếm khuyết có thể phát triển bình thường thì điều quan trọng nhất là niềm tin, tình yêu thương của cha mẹ. “Vợ chồng tôi chưa bao giờ mất niềm tin, mà luôn cố gắng tất cả vì con, và sự tiến bộ từng ngày của con chính là quả ngọt, là điều tuyệt vời nhất”, anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.