Bức tâm thư của người mẹ sau đó được lan truyền chóng mặt trên Facebook hồi cuối năm 2016, nhiều người khóc thương. Tiền ùn ùn đổ về tài khoản. Nhiều người về cả Viện huyết học truyền máu T.Ư để đưa tiền cho chị, mong cháu bé sớm được ghép tế bào gốc.
Nhưng sự thật là, sau đó chính Viện trưởng Viện huyết học truyền máu T.Ư lên tiếng, cháu bé trên chưa thể ghép được tế bào gốc vì sức khỏe không cho phép, cho dù cháu đã có rất nhiều tiền đi chăng nữa. Cháu bé vẫn được điều trị bằng thuốc và được bệnh viện chăm lo chu đáo nhất.
Viện trưởng cũng cho hay, hiến thận hay một phần lá gan còn có thể được, còn hiến tim chỉ được phép khi người hiến đã chết não. Không ai dám mua quả tim của người mẹ, bởi một người đang sống mà lấy đi quả tim thì người đó sẽ chết, đó là hành động giết người, phạm pháp.
Những thông tin chính thức từ bệnh viện khiến nhiều người ngớ ra…
Những ngày qua, trong nhiều lần tác nghiệp tại những bệnh viện lớn tập trung nhiều hoàn cảnh thương tâm như Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện huyết học truyền máu T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… chúng tôi được biết nhiều sự thật khác, đằng sau những lời kêu cứu thảm thương trên Facebook.
tin liên quan
Cảnh báo trục lợi bằng những bài viết thảm thương trên facebookLợi dụng sự lan truyền nhanh chóng từ mạng xã hội facebook và lòng tốt của mọi người, nhiều tài khoản facebook đăng tải thông tin người bệnh hết sức thảm thương để kêu gọi giúp đỡ, kèm theo các số tài khoản nhận tiền.
Tháng 3.2017, sau khi một bài viết kêu gọi ủng hộ cho một cháu bé bị bại não quê ở Nam Định được đăng tải, Phòng công tác xã hội của Bệnh viện Nhi T.Ư bỗng hốt hoảng khi thấy bài viết ghi người mẹ và cháu bé phải xin ăn qua ngày, cháu không có tiền chữa trị. Trong khi đó, mỗi ngày mẹ của cháu bé đều được cấp 2 phiếu ăn miễn phí, Phòng công tác xã hội cũng xin tài trợ cho cháu bé được gần 15 triệu đồng, tính ra, cháu bé còn đang thừa tiền viện phí.
Điều đáng nói là, phía cuối bài viết kêu cứu kia là một số tài khoản ngân hàng của một người mới chỉ quen cháu bé. Bà này tự đứng ra kêu gọi giúp đỡ và cam đoan kết nối với một bệnh viện uy tín để cháu được điều trị. Tiền của người hảo tâm khắp nơi đổ về tài khoản này, các mạnh thường quân đến tận bệnh viện để đưa cho mẹ cháu bé, bà này cũng cầm cả để… sau này tổng hợp một thể!
3 ngày sau, sau khi nghe góp ý của một số nhà hảo tâm, mẹ của cháu bé gọi điện tới chủ tài khoản để xin lại tiền, thì đúng là bi hài. Suốt cả một buổi chiều, sau 5 tiếng chờ đợi và hàng loạt cú điện thoại “giúp sức” của những người thân, người phụ nữ chất phác mới được nhận lại một khoản tiền. Số tiền này có đúng với những gì các nhà hảo tâm ủng hộ cho cháu bé suốt mấy ngày qua không thì không ai biết.
Bà Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ cho chúng tôi thêm một câu chuyện tận mắt bà chứng kiến. Một bệnh nhi người dân tộc đang điều trị bỗng dưng có người tự nhận là người thân.
Sau những lời kêu gọi cứu trợ trên Facebook, “người thân” này đứng ngay ở cửa phòng bệnh nhận hết tiền, bỉm sữa mọi người tới ủng hộ cháu bé. Những phần quà này, sau có về đúng chủ của nó không, bố mẹ đẻ của em bé dân tộc chất phác kia chẳng thể nào biết được.
Từ khi mạng xã hội phát triển, chỉ cần có một điện thoại thông minh và một tài khoản Facebook, Zalo, … mỗi công dân đều có thể trở thành những nhà vận động tài trợ.
Hôm nay ta đọc được lời khẩn cầu hãy giúp đỡ một cháu bé bị bệnh này, ngày mai, lại thấy lời kêu gọi hãy giúp đỡ một thanh niên khác. Bài viết nào cũng xúc động, hình ảnh nào cũng thảm thương.
Nếu chỉ là phóng viên máy lạnh, xỏ chân gầm bàn, lướt Facebook và gọi điện thoại tới những số máy được ghi sẵn trên những bài kêu cứu kia để phỏng vấn, chẳng thể nào người ta biết được một nửa sự thật còn lại.
Mới mấy ngày trước thôi, chúng tôi đọc được bức tâm thư của một phụ nữ nhờ cứu cháu gái của chị bị bệnh về máu, điều trị tại Viện huyết học truyền máu T.Ư. Như thường lệ, tôi lại thấy lời khẩn cầu quen thuộc “giúp cháu có tiền ghép tế bào gốc”.
Chúng tôi liên hệ với Viện huyết học truyền máu T.Ư và nhận được câu trả lời, đây cũng là một trường hợp nếu có rất nhiều tiền ngay bây giờ cũng không ghép tế bào gốc được. Điều quan trọng hơn, cháu bé không mắc bệnh hiểm nghèo, cháu đang được điều trị bằng thuốc và thuốc này có được bảo hiểm y tế chi trả. Gia đình cháu chỉ phải chi phí một khoản nhỏ trong chi phí đi lại, tiền giường bệnh…
Vậy thì hàng trăm triệu đồng mà người tốt ở khắp nơi, cả trong nước và nước ngoài đã đổ về tài khoản của người thân cháu, phải chăng, để trao cho những người khó khăn thật sự sẽ tốt hơn?
|
Cháu bé mà người mẹ rao bán tim cứu con mà tôi kể ở trên đến nay vẫn chưa có chỉ định của bác sĩ đến bao giờ đủ điều kiện để ghép tế bào gốc.
Còn một phụ nữ từng nhiều năm đi làm từ thiện ở Hà Nội chia sẻ thẳng thắn với tôi, chị từng một lần vào Bệnh viện Xanh Pôn để ủng hộ tiền cho một trường hợp được chia sẻ trên Facebook là rất khó khăn, song đến nơi mới té ngửa khi thấy một người lạ hoắc đứng nhận phong bì, quà bánh ngay giường bệnh. Bố mẹ bệnh nhân thì lam lũ, đang ngơ ngác đứng ngoài cửa nghe điện thoại phỏng vấn của những… phóng viên.
Làm người tốt chưa bao giờ là dễ dàng. Để đồng tiền, sự yêu thương đùm bọc con người trong cơn hoạn nạn đến đúng địa chỉ cũng là một hành trình. Chắc chắn, hành trình đó không thể chỉ có đọc Facebook, thấy mủi lòng và chuyển tiền vào tài khoản.
Phóng viên tử tế cũng như vậy. Chưa bao giờ tôi thấy rằng viết những bài báo để người đọc rung động và chia sẻ với những nhân vật của mình là giản đơn. Facebook là nguồn cơn, nhưng chẳng thể nào dẫn ta đi đến cùng của sự thật!
Bình luận (0)