Phía sau trang sách: Xuất bản 'trăm nhà đua tiếng'

23/04/2022 06:59 GMT+7

Ngành xuất bản sách có sự chuyển mình to lớn khi bước sang nửa đầu thế kỷ XX. Hoạt động xuất bản tư nhân trở nên rầm rộ và chiếm ưu thế.

“Ông lớn” của làng xuất bản

Nửa cuối thế kỷ XIX, chủ yếu các nhà in nhà nước và tư nhân xuất bản sách. Ở Nam kỳ nhà in được lập sau khi người Pháp có mặt, đến đầu thế kỷ XX có khoảng 20 nhà in hoạt động như Tân Định, Phát Toán… Sang đầu thế kỷ XX, nhà in vẫn có thế mạnh xuất bản và nhiều nhà tên tuổi như Xưa Nay, Nguyễn Văn Của, Joseph Nguyễn Văn Viết… Lúc này, hệ thống các NXB đã định hình và chiếm sóng trong hoạt động xuất bản với Tân Dân là một thế lực lớn.

Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (Nguyễn Liên Phong, 1909) do Nhà in Phát Toán ở Sài Gòn in

TƯ LIỆU

Tân Dân khởi điểm khiêm tốn. Nhà giáo, nhà viết kịch Vũ Đình Long, người sáng tác vở kịch thuần Việt nổi tiếng Chén thuốc độc đăng trên báo Hữu thanh năm 1921, mở hiệu sách Tân Dân thư quán bán sách dùng trong nhà trường, rồi in những sách truyện mỏng vài chục trang. Tiếp sau, ông mua nhà in, lập NXB Tân Dân năm 1930, ra “đủ thứ sách, cho người lớn, cho trẻ em, cho nhà lý luận, cho cô hàng xén”, Tự truyện của Tô Hoài ghi lại.

Viết cho Tân Dân có đủ tác giả từ mới vào làng văn như Tô Hoài, Ngọc Giao đến đã định danh như Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan. Tô Hoài trong Tự truyện nhớ được Tân Dân mời làm giao kèo viết truyện, “tôi đã bán hàng tháng được bản thảo truyện ngắn và có tiền”, và nhận xét rằng Vũ Đình Long làm ăn sòng phẳng. Nhờ những tác giả hạng nhất Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, sách Tân Dân bán rất chạy. Chẳng những thế, Tân Dân luôn có của để dành, mua bản thảo trữ sẵn in dần. Làm ăn nhanh nhạy nên theo Nguyễn Công Hoan trong Nhớ gì ghi nấy, đây là thế lực xuất bản lớn thời ấy và Ngọc Giao trong Hà Nội cũ nằm đây cho hay NXB luôn có 500 công nhân làm việc, đại lý khắp Đông Dương với chiết khấu 8 - 10%.

Thời 1930, NXB Đời Nay của Tự lực văn đoàn là đáng kể, in chủ yếu sách văn học. Ngoài Tân Dân, cùng thời có Mai Lĩnh vừa ra báo, vừa lập NXB cùng tên phát triển từ Hải Phòng ra Hà Nội. Thống kê trong sách Nhà xuất bản Mai Lĩnh, số sách xuất bản 1936 - 1943 là 140 nhưng chắc còn thiếu nhiều. Hà Nội và Sài Gòn vẫn là những nơi hoạt động xuất bản rầm rộ. Trung kỳ lặng tiếng hơn với những nhà in Đắc Lập, Tiếng Dân…

Các NXB có tiềm lực lớn sẽ có cộng tác viên ruột. Phạm Cao Củng chuyên viết cho Mai Lĩnh, Nguyễn Công Hoan chuyên viết cho Tân Dân. NXB có mánh để giữ chân cộng tác viên như Nguyễn Công Hoan được Tân Dân trả nhuận bút cao; Lưu Trọng Lư trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh còn nhớ sau khi được làng văn biết tiếng với Người sơn nhân, có NXB đưa luôn 300 đồng Đông Dương để “khi có hứng ông viết vài câu để lại cho đời”. Số tiền ấy thi sĩ và gia đình sống được một năm.

Danh tác Chí Phèo in lần đầu với tên Đôi lứa xứng đôi (NXB Đời Mới, 1941)

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Nấm mọc sau mưa

Xuất bản nửa đầu thế kỷ XX có sự tham gia của đủ thứ nhà. Đến cả chùa cũng có nhà in như chùa Bà Đá, Hà Nội. Tô Hoài từng viết Qua dòng sông Hát kể sự tích các chùa dọc sông Hát để quảng cáo cho chùa. Hiệu thuốc có tiền, cũng mở NXB. Trong Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại, Bàng Bá Lân cho biết nhà in Lê Cường từ Hồng Khê dược phòng số 81 phố Huế, Hà Nội mà ra. Còn NXB Đời Mới của Trác Vỹ, nơi in Đôi lứa xứng đôi (Nam Cao, 1941) và các sách của Lan Khai, Thái Phỉ, Phan Trần Chúc… là từ hiệu thuốc chữa bệnh lậu ở 48 - 62 Hàng Cót, Hà Nội. “Lạ một điều là ở Hà Nội hồi ấy, có nhiều nhà lang thuốc kiêm nghề xuất bản sách báo. Có lẽ vì các nhà thuốc Hồng Khê, Bình Hưng, Lê Huy Phác, Từ Ngọc Liên, Hương Sơn đã sẵn nhà in in nhãn thuốc, bây giờ làm báo, làm sách không tốn kém mấy chỉ thêm danh giá”, Tô Hoài tổng kết trong Tự truyện.

Nhiều thư xã tham gia xuất bản sách như Tín Đức thư xã ở Sài Gòn vừa bán vừa xuất bản đủ loại sách. Duy Tân thư xã xuất bản Trời nổi gió (Nguyễn Tố, 1942), Hải triều âm (Nguyễn Tố, 1943), Cường học thư xã ở Sài Gòn có Gương phục quốc (Lương Khải Siêu; Trần Huy Liệu dịch, 1928)... Hội đoàn cũng tham gia như nhóm Tri Tân có Tri Tân tạp chí và nhà in, in sách Quang Trung (Hoa Bằng, 1944), Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng, 1944), tự giới thiệu là Ty xuất bản Tri Tân. Lại có văn thi sĩ tự lập NXB với NXB Huy Xuân của Huy Cận - Xuân Diệu, NXB Nguyễn Đức Chính của Nguyễn Đức Chính...

Đầu những năm 1940, NXB ra như nấm mọc sau mưa. Lý do quan trọng có nhiều NXB là do ở Bắc kỳ sách báo in bằng giấy Đáp Cầu, giấy dó thủ công. In sách phải được phòng kiểm duyệt của Phủ Thống sứ gật rồi mới được mua giấy. NXB mua giấy có thể không in sách mà bán lại cho nhà làm giấy, hoặc nơi làm vàng mã, làm quạt để thu lời.

Nói đến NXB, cũng phải nói tới nhà in. Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi nhớ nhà in Trung Bắc in rất đẹp khi có bàn tay của Đỗ Văn, người có công cải tiến nghề in, nâng cao chất lượng kỹ, mỹ thuật cho sách báo. Thế nên, mới có chuyện “sách nhà xuất bản Đời nay của Nguyễn Tường Tam, in ruột ở nhà khác cho rẻ, nhưng đến cái bìa thì phải in ở nhà Trung Bắc. Dù trong có lem nhem, nhưng sách vẫn được cái bìa đẹp nó tôn lên”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.