Phía sau 'vũ điệu' của tre

10/06/2024 08:49 GMT+7

Hình ảnh rực rỡ của làng tăm hương Quảng Phú Cầu (H.Ứng Hòa, Hà Nội) có lẽ không còn lạ lẫm với công chúng yêu nhiếp ảnh. Nhưng phía sau nét đẹp ấy vẫn còn gian nan lời giải cho bài toán môi trường…

"Hoa" tăm hương

Giữa tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cho ra mắt tuyến du lịch Con đường di sản nam Thăng Long - Hà Nội - điểm về nguồn cội, kết nối 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Làng hương Quảng Phú Cầu là một điểm đến trong hành trình đó. Nhiều du khách đã rất hài lòng khi có được những bức ảnh ở sân đình Cầu Bầu - khu vực phơi, bày tăm hương được làm từ tre với nhiều hình đẹp mắt như: hình Quốc kỳ, hình bản đồ Việt Nam... Tới đây, trong quý 4/2024, tại đình Cầu Bầu còn tổ chức cho du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm làng hương.

Phía sau 'vũ điệu' của tre- Ảnh 1.

Những bó tăm hương sau khi nhuộm chân được xòe ra phơi nắng trông như những đóa hoa lớn rực rỡ

NGỌC THẮNG

Nhưng đằng sau những bức ảnh đầy màu sắc ấy, tất nhiên, phải là một nghề truyền thống đã được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Hành trình để những cây luồng, cây tre từ miền ngược hóa thân thành những bó tăm hương rực rỡ phơi mình dưới nắng như những đóa hoa lớn khắp đường làng ngõ xóm ở Quảng Phú Cầu khá dài và thấm đẫm mồ hôi.

Ông Nguyễn Hữu Quỳnh (thôn Đạo Tú), một thợ chẻ vầu kỳ cựu, cho biết nguyên liệu làm tăm hương là vầu bánh tẻ (không già quá, không non quá), được chuyển về từ Nghệ An, Thanh Hoá…, thậm chí cả từ nước bạn Lào. 

Sau khi được pha mảnh, nếu chẻ máy thì chỉ cần đem hong khô, còn nếu vót tay (tăm vuông) thì phải đem ngâm kỹ cho hết "chất chua" của vầu rồi mới chẻ thành chân hương để tránh mối mọt, ẩm mốc. Loại tăm vuông được làm thủ công này sẽ để được lâu tới 1 - 2 năm mà không cần sấy thuốc, đảm bảo hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Có sức khoẻ, lại quen tay, mỗi ngày ông Quỳnh có thể chẻ được chừng 1 tấn vầu. Vợ ông, bà Lê Thị Huyền, cũng làm việc cùng ông. Với đôi găng tay và con dao chẻ sắc lẹm, sáng bóng, ông bà đã nuôi nấng cả 3 người con tốt nghiệp đại học, lập nghiệp ở nội thành Hà Nội.

"Chẳng đứa nào còn ở quê, nhưng chúng thành đạt là niềm vui của vợ chồng tôi rồi. Chúng tôi còn khỏe, còn chăm nhau được", bà Huyền tâm sự.

Phía sau 'vũ điệu' của tre- Ảnh 2.

Phơi hương sau khi se

QUANG PHÚC

Vầu pha xong sẽ được đem phơi khô, chẻ thành tăm, rồi bó tăm, nhuộm phẩm, phơi phóng khô nỏ. Tăm hương xuất khẩu thì nguyên liệu nhất thiết phải là vầu, chẻ bằng máy, dễ cháy, đọng tàn, không bị gãy. 

Làng Quảng Phú Cầu chủ yếu xuất khẩu tăm hương hoặc bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, thành phố, chỉ một phần được các cơ sở ở đây se thành hương thành phẩm. Nhựa trám sau khi lọc sạch tạp chất, được trộn với bột trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, rễ hương bài..., tùy từng hộ sản xuất gia giảm, tạo thành một hỗn hợp dẻo mịn. Hương se xong thường được phơi dưới trời nắng từ 1 - 2 ngày. Hiện nay, Hợp tác xã hương Quảng Phú Cầu có hơn 3.000 hộ tham gia sản xuất với nhiều sản phẩm OCOP đạt 3 sao (hương nén, hương nụ, hương vòng) và 4 sao (nụ quế từ bi hương, nụ trám từ bi hương, nụ trầm từ bi hương và hương vòng).

"Nhạc" tre

Ngoài làm tăm hương, người dân Quảng Phú Cầu còn phát triển một số sản phẩm như rá tre, mẹt tre, tăm tre, que xiên, chổi tre… Dù trong "kỷ nguyên đồ nhựa", người dân ở đây không còn làm nhiều loại sản phẩm như trước đây, nhất là khi những loại nong nia lớn để phơi nông sản không còn đắt hàng, nhưng những lúc nông nhàn, bạn vẫn có thể bắt gặp nhiều thế hệ trong một gia đình quây quần cùng nhau đan rổ, lức rá với mức độ "chuyên môn hóa" cao. Cụ ông Đặng Văn Hả, ngoài 80 tuổi, mắt vẫn còn tinh tường, vừa khéo léo uốn tre, xỏ lạt, vừa bảo tôi, những chiếc rá tre nhà ông làm vẫn được các cơ sở làm bún, hàng cơm bình dân... ưa chuộng, đặt hàng. Chủ nhiều công trình chuộng phong cách gần gũi với thiên nhiên cũng về làng đặt mua các sản phẩm từ tre nứa.

Phía sau 'vũ điệu' của tre- Ảnh 3.

Cụ Đặng Văn Hả, 80 tuổi, vẫn làm nghề mỗi ngày

QUANG PHÚC

Tuy nhiên, vấn đề môi trường đang là một thách thức lớn đối với người dân nơi đây. Những ngày nắng gắt luôn được người làng (và cả du khách) mong đợi nhưng cũng là những ngày làng có mùi… không mấy dễ chịu. 

Ước tính, nếu mỗi ngày làng nghề sử dụng 500 tấn tre, nứa, vầu thì môi trường sẽ phải "gánh" khoảng 60 - 70 tấn mùn cưa, đầu mẩu. Việc ngâm tre, nứa ở sông, kênh, rạch, cộng với hóa chất nhuộm màu phát thải từ các cơ sở chế biến tăm hương tiềm tàng rủi ro gây ô nhiễm nguồn nước. Khói bụi, mùn gỗ từ các cơ sở sản xuất cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đó là chưa kể muốn đi vào trung tâm xã với những con đường và sân đình phơi tăm hương đẹp đẽ, du khách phải di chuyển qua thôn Xà Cầu, nơi có hàng trăm hộ dân làm nghề thu mua phế liệu để bán lại cho các cơ sở tái chế…

Tuy đã có nhiều nỗ lực để giữ gìn cảnh quan môi trường, nhưng làm thế nào để làng nghề thực sự thân thiện với môi trường, thu hút du khách thập phương có lẽ vẫn là một bài toán khó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.