Ngân sách đội nón ra đi, nghìn tỉ vào túi cán bộ
|
Lo ngại về vấn đề thất thu thuế, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đồng thời báo động về nguyên nhân đạo đức cán bộ hải quan, thuế bị thoái hóa. Theo ông Chiến, thực tế cho thấy các vụ án xảy ra tại cảng Sài Gòn, 213 container biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa, 48 cán bộ hải quan An Giang bị xử lý... “Ngân sách nhà nước một phần đội nón ra đi, một phần chảy vào túi cán bộ, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng... Xin cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và lãnh đạo ngành hải quan đến đâu khi xảy ra các vấn đề, vấn nạn này?”, ĐB Chiến chất vấn.
“Tinh thần của Bộ Tài chính quyết tâm chống tiêu cực trong ngành và ngoài ngành. Hằng năm, riêng xử lý nội bộ, kỷ luật cán bộ thuế và hải quan liên quan đến thực hiện chức trách nhiệm vụ, liên quan đến quy trình thủ tục, quy phạm về mặt hành chính khoảng trên dưới 300 cán bộ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.
Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tranh luận về lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu. “Theo nghiên cứu năm 2015 thì có 63% hộ kinh doanh đi đêm với cán bộ thuế. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng này hiện nay còn phổ biến không? Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, ĐB Cường truy.
“Năm 2015 đúng như ĐB nêu là 63% DN đi đêm với cán bộ thuế, nhưng đến năm 2016, đánh giá lại chỉ còn 31%”, Bộ trưởng Tài chính giãi bày.
|
Dân sợ lấy hóa đơn chứ không phải thói quen
Một vấn đề nhiều ĐB đặt ra tại phiên chất vấn là việc DN làm ngơ không xuất hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng (GTGT). ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) “truy”: “Bộ có trách nhiệm gì và giải pháp như thế nào để tạo thói quen cho người dân mua hàng lấy hóa đơn, chống thất thu ngân sách?”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận có tình trạng này và nêu nguyên nhân chính do hiện nay quản lý thuế tạo điều kiện cho DN tự khai, tự tính, tự nộp, sau đó hậu kiểm, trong khi người dân không có thói quen lấy hóa đơn và thường xuyên dùng tiền mặt...
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) khẳng định vấn đề không phải nằm ở thói quen của người dân. Khi muốn lấy hóa đơn tài chính thì người bán hàng lại yêu cầu người mua hàng phải trả thêm 10% thuế GTGT. “Tôi đề nghị Bộ trưởng có giải pháp khắc phục tình trạng trên và nói rõ là người bán hàng yêu cầu người mua hàng phải trả thêm 10% thuế GTGT như vậy có hợp lý hay không?”. Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi của ĐB Thủy vẫn còn bỏ ngỏ.
ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đặt vấn đề quản lý thuế với những người kinh doanh qua Facebook. Bộ trưởng Tài chính thừa nhận quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó. Về lâu dài sẽ yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại VN.
|
tin liên quan
Trả lời lan man Bộ trưởng Tài chính bị nhắc liên tục trong phiên chất vấnKhông dưới 3 lần, Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở và “nắn” Bộ trưởng Bộ Tài chính đi vào trọng tâm vấn đề khi trả lời chất vấn đại biểu sáng 16.11.
Xoay 2 Bộ trưởng về trách nhiệm nợ công
Liên quan đến nợ công, đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính, nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay phải trả đang tăng nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100.000 tỉ đồng nhưng năm 2017 tăng lên 250.000 tỉ đồng. ĐB Ngân đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình về những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn để đầu tư cho phát triển.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao (nợ công hiện đã trên 60% và áp sát trần an toàn 65%, còn nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng an toàn 50%) và áp lực trả nợ lớn, phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công. Hiện Chính phủ đang kiểm soát nợ công chậm lại với nhiều giải pháp.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) và ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì đặt câu hỏi tình trạng nhiều dự án đắp chiếu mà vẫn vay vốn, đầu tư công không hiệu quả gây nợ công cao nhưng không ai chịu trách nhiệm. Được mời giải trình, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước khi có luật Đầu tư công, tình trạng các dự án được đầu tư vô cùng tùy tiện, vượt cân đối ngân sách T.Ư và địa phương. “Giai đoạn 2011 - 2015 có đến 20.000 dự án cả lớn lẫn bé có quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu. Từ đó dẫn đến giãn, hoãn, dừng, thất thoát và lãng phí”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận. Sau khi có luật Đầu tư công, tình hình có sáng sủa hơn, song tình trạng triển khai đầu tư vướng quá nhiều thủ tục từ giải phóng mặt bằng đến đấu thầu, khiến nhiều dự án phải điều chỉnh, giãn, hoãn.
Giải trình thêm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn và giải quyết bài toán này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan điều hành trong giai đoạn 2016 - 2020. Phó thủ tướng cũng cho hay, để quản lý nợ công chặt hơn, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả... Ông Huệ dẫn số liệu, trong năm 2016 chỉ có một dự án được Chính phủ bảo lãnh với số tiền 170 triệu USD, trong khi đến thời điểm này của năm 2017 không có thêm dự án mới nào cần phải bảo lãnh.
tin liên quan
Tranh luận về đặt cược thể thaoCó nên luật hóa hoạt động cá cược là câu chuyện được nhiều đại biểu tranh luận khi Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 15.11 về luật sửa đổi một số điều của luật Thể dục thể thao.
Trả lời dài dòng, chưa có tính đột phá
Trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 tới giữa 15 giờ cùng ngày, có 48 ĐB đăng ký đặt câu hỏi. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, việc trả lời một số nội dung chưa thấy có giải pháp mới, giải pháp mang tính đột phá, nhất là vấn đề quản lý nợ công, quản lý thuế, quản lý hóa đơn mua bán hàng hóa... thể hiện qua việc có nhiều ĐB tranh luận lại.
Trước đó, phiên sáng không dưới 3 lần Chủ tịch QH phải nhắc nhở Bộ trưởng Tài chính đi vào trọng tâm vấn đề. Đơn cử Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng tập trung trả lời về vấn đề người dân mua hàng không lấy hóa đơn GTGT.
|
Bình luận (0)