Trung Quốc hôm 22.1 thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng "tất cả biện pháp cần thiết" để chống lại tàu nước ngoài. Đáng lo ngại nhất là lực lượng hải cảnh Trung Quốc được trao quyền xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
"Sau khi đánh giá tình hình, tôi đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối", Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin, thông báo trên Twitter.
Ông Locsin đồng thời cảnh báo việc ban hành luật là quyền của quốc gia, nhưng luật mà Trung Quốc vừa ban hành là “một lời đe dọa chiến tranh” đối với các quốc gia ở Biển Đông.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines vẫn chưa có phản ứng gì về thông tin này.
Giới chuyên gia nhận xét luật cho phép lực lượng hải cảnh tiếp cận và kiểm tra tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, có thể giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ trong phán quyết vào ngày 12.7.2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phớt lờ phán quyết này.
Suốt những năm gần đây, hải cảnh Trung Quốc liên tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, thường xuyên hiện diện cách đất liền vài trăm km hoặc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng, đe dọa hoạt động đánh bắt và thăm dò dầu khí.
Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối vài ngày sau khi đồng minh Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Biển Đông. Đáp lại, Trung Quốc ngày 26.1 tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong tuần này ở Biển Đông, theo Reuters.
Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 25.1 cho biết Philippines hy vọng không nước nào làm gia tăng căng thẳng.
Bình luận (0)