Nhật Bản bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

20/01/2021 19:17 GMT+7

Phái đoàn Đại diện Thường trực của Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ bác bỏ yêu sách chủ quyền “ đường lưỡi bò ” của Trung Quốc nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông.

“Với tư cách là quốc gia tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), Nhật Bản bác bỏ quan điểm của Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và pháp luật quốc tế”, theo công hàm ngày 19.1.
“UNCLOS đặt ra những điều khoản để áp dụng các đường cơ sở một cách cụ thể và đầy đủ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không viện dẫn được bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở. Không có chỗ cho một quốc gia thành viên LHQ biện minh cho việc áp dụng các đường cơ sở mà không đáp ứng những quy định của UNCLOS”, cũng theo công hàm.
Phía Nhật Bản đồng thời chỉ trích việc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016.
Cụ thể, vào ngày 12.7.2016, PCA ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phớt lờ phán quyết này.

Xem các yêu sách biển của Trung Quốc là "phi pháp", Mỹ chính thức bác bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông

Công hàm được đệ trình lên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tăng cường hành động cưỡng ép phi pháp ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm Indonesia hồi tháng 10.2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên tiếng phản đối bất kỳ hành động vũ lực hoặc cưỡng ép tại Biển Đông. Cũng trong tháng 10.2020, các tàu chiến Nhật Bản đã tham gia tập trận chung với Mỹ và Úc ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, nhóm quân sự chiến lược phi chính thức được gọi là “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc đang ngày càng thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác trên biển để kiềm tỏa Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.