Philippines nhập đến 4,1 triệu tấn, gạo Việt Nam thêm nhiều cơ hội

Chí Nhân
Chí Nhân
13/03/2024 15:13 GMT+7

Philippines - khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - được dự báo sẽ nhập tới 4,1 triệu tấn gạo trong năm 2024. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo trong năm 2024. Trong những ngày gần đây, giá gạo thế giới cũng tăng nhẹ trở lại.

Báo cáo cập nhật từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết: Năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo. Trước đó, cơ quan này dự báo là 3,9 triệu tấn. Con số mới cao hơn đến 600.000 tấn so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023 là 3,5 triệu tấn. Lượng gạo tăng thêm này tương đương lượng gạo nhập khẩu trung bình 2 tháng của Philippines nhiều năm qua.

Philippines nhập đến 4,1 triệu tấn, gạo Việt Nam thêm nhiều cơ hội- Ảnh 1.

Lúa gạo Việt Nam đón thêm thông tin tích cực từ thị trường

CÔNG HÂN

Theo USDA, Philippines sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa. Nếu Philippines nhập khẩu gạo đúng như dự báo thì đây sẽ là con số kỷ lục của nước này; trước đó vào năm 2022, nhập khẩu gạo đạt kỷ lục 3,826 triệu tấn. Năm 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines giảm nhẹ do giá tăng quá cao nên nước này đẩy mạnh sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung chỉ tăng nhẹ 2,2% từ gần 14,9 triệu tấn lên 15,3 triệu tấn.

Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo lớn nhất cho Philippines trong năm 2023. Lượng gạo xuất khẩu đạt 3,1 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,75 tỉ USD; tuy giảm 2% về lượng nhưng tăng tới 17,6% về giá trị so với năm 2022. Gạo của Việt Nam vẫn chiếm thị phần trên 80% tại Philippines.

Báo chí Philippines dẫn nguồn từ cơ quan chức năng nước này cho biết: Chỉ riêng trong tháng 2, nhập khẩu gạo của nước này đạt 303.603 tấn, cao hơn 113,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, đã nhập khẩu 728.254 tấn gạo, cao hơn gần 85% so với cùng kỳ năm 2023. Có đến 391.000 tấn gạo tương đương 54% gạo được nhập khẩu từ Việt Nam. Trung bình mỗi tháng Philippines cần nhập khẩu khoảng 330.000 tấn gạo để để đáp ứng mức tiêu thụ trung bình 37 tấn mỗi ngày.

Để đảm bảo nhu cầu gạo nhập khẩu, từ đầu năm 2024 chính quyền Philippines đã cấp 1.009 giấy phép cho các nhà nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, cuối năm ngoái chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Thỏa thuận có thời hạn 5 năm và mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng "hứa" sẽ bổ sung nguồn cung gạo cho Philippines bất chấp lệnh cấm nhập khẩu gạo non-basmati.

Trước đó, khách hàng nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn và đạt tổng sản lượng gạo nhập khẩu là 3,6 triệu tấn.

Trong năm 2023, Indonesia cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines. Thái Lan là nguồn cung gạo lớn nhất cho Indonesia trong năm qua với thị phần chiếm 40% và Việt Nam đứng thứ 2 với 34%, kế đến là Pakistan 11%. "Indonesia chiếm gần 7% thương mại toàn cầu vào năm 2023. Việc nước này quay trở lại thị trường tăng mạnh lượng gạo nhập khẩu đã tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu", theo USDA.

Mới nhất, Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) của Indonesia tuyên bố tạm thời nới lỏng trần giá bán lẻ đối với gạo chất lượng cao. Lệnh này được thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung gạo chất lượng cao đến người tiêu dùng trong tháng Ramadan. Một quan chức chính phủ nói với báo giới nước này rằng: Việc nới lỏng tạm thời được thực hiện để giúp cộng đồng tiến hành các hoạt động thờ cúng thoải mái hơn trong tháng Ramadan và không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung gạo.

Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 5 USD lên 584 USD/tấn so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn khoảng 30 USD so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan và thấp hơn 15 USD so với gạo Pakistan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.