Tại Olympic Paris 2024, hầu như môn nào thể thao Việt Nam cũng tham gia, nhưng không đầu tư trọng điểm vào môn nào cả. Cứ có VĐV nào nổi lên, hé lộ chút thành tích nhỉnh hơn so với khu vực, thể thao Việt Nam thường chỉ tập trung vào khai thác VĐV đấy mà thiếu sự đầu tư mang tính kế thừa, có chiều sâu.
Thế nên, khi các VĐV nói trên bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, thành tích của thể thao Việt Nam cũng theo đó lụi tàn. Điều này, như đã nói, khác xa với thế mạnh truyền thống của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, giúp Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia luôn cầm chắc huy chương mỗi khi bước ra đấu trường Olympic.
Ngay sau khi giành 2 tấm HCV thể dục dụng cụ lịch sử cho thể thao Philippines ở Olympic Paris 2024, trả lời báo chí, trong số những cá nhân và tổ chức được Carlos Yulo (sinh năm 2000) gửi lời cảm ơn, có MVP Sports Foundation - Quỹ thể thao MVP; trong đó MVP là tên viết tắt của doanh nhân, tỉ phú Manuel V. Pangilinan.
Ông là đồng sáng lập và điều hành First Pacific - một tập đoàn đầu tư lớn với phạm vi hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tình yêu thể thao cháy bỏng đã thôi thúc doanh nhân này lập nên quỹ MVP từ năm 2011, hỗ trợ và định hướng phát triển cho các tài năng thể thao Philippines hướng tới các đấu trường thế giới. Ông Pangilinan cũng thường được gọi là "cha đỡ đầu" của thể thao Philippines.
Quỹ MVP cũng đã thành lập một trung tâm thể dục dụng cụ tại Manila vài năm trước - nơi Carlos Yulo và các đồng đội có cơ sở vật chất hiện đại để tập luyện ngoài những chuyến đi tập huấn ở nước ngoài - cũng do MVP hỗ trợ.
Không thể nói thành công vang dội của Carlos Yulo là nhờ hoàn toàn vào quỹ MVP khi anh được phát hiện từ khá sớm (7 tuổi) và được đào tạo trong môi trường thể thao học đường từ đó. Nhưng kể từ khi được quỹ MVP hỗ trợ từ năm 2017, anh đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Nhờ nguồn lực tài chính từ MVP, anh có cơ hội đi tập huấn ở những nền thể thao hùng mạnh nhất, có cơ hội tham dự mọi giải đấu đẳng cấp nhất và đồng thời cũng song song theo đuổi con đường học hành với tấm bằng cử nhân Văn học ở ĐH Teikyo (Nhật Bản).
Nếu Carlos Yulo làm nên lịch sử cho thể thao Philippines thì Panipak Wongpattanakit - nữ võ sĩ taekwondo của Thái Lan cũng đi vào lịch sử thể thao khu vực khi là VĐV đầu tiên của Đông Nam Á bảo vệ thành công HCV Olympic.
Ở Thế vận hội Tokyo 2020, cô giành HCV hạng cân dưới 49 kg nữ. 3 năm sau tại Paris, dù gặp nhiều đối thủ rất mạnh, cô vẫn xuất sắc bảo vệ thành công chức vô địch.
Cô được cha mẹ hướng cho theo con đường thể thao từ sớm nhưng không phải tennis. Cô tham gia tập luyện taekwondo từ năm 7 tuổi và sớm trở thành "hoa tiêu" của Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT) để đầu tư trọng điểm. Các VĐV đạt đẳng cấp thế giới của Thái Lan đều là những người được đầu tư đường dài từ bé. Không có câu chuyện tay ngang rẽ lối nào như trong truyện cổ tích mà có thể thành công ở đấu trường thể thao cạnh tranh cực kỳ khốc liệt này.
Như nhiều tài năng trẻ khác, Panipak được hỗ trợ bởi Quỹ Phát triển thể thao quốc gia Thái Lan (NSDF - đơn vị nằm dưới sự giám sát của SAT). Mỗi năm, quỹ này được đầu Chính phủ Thái Lan đầu tư hơn 100 tỉ đồng để hỗ trợ đầu tư thiết bị - cơ sở vật chất, bồi dưỡng VĐV, chi tiền thưởng cũng như chăm lo phúc lợi cho các VĐV và hỗ trợ họ sau khi giải nghệ.
Nhìn vào cả Yulo và Panipak, 2 VĐV ở đẳng cấp thế giới và vẫn có con đường học vấn cao để thấy rằng cả thể thao Thái Lan lẫn Philippines đều coi trọng thể thao học đường, đào tạo thể thao ngay trong chính cơ sở giáo dục các cấp chứ không "nhốt" VĐV vào các lò tập luyện và xa rời học hành.
Nếu hệ thống giải thể thao sinh viên ở Mỹ nổi tiếng cho ra đời nhiều nhà vô địch thế giới thì Philippines cũng có mô hình tương tự. Bản thân Carlos Yulo và nhiều VĐV khác cũng được cấp học bổng thể thao vào các trường hàng đầu.
Lâu nay, Đông Nam Á bị coi là "vùng trũng" của thể thao thế giới. Bỏ ngoài những yếu tố về chiến lược, kinh phí đầu tư thì thể hình và nền tảng thể lực cũng là thua thiệt đáng kể của thể thao Đông Nam Á so với phương Tây và châu Phi. Và vì thế, nhiều nước Đông Nam Á đã chú trọng đầu tư vào các môn thể thao không yêu cầu cao về thể lực mà chú trọng hơn đến kỹ thuật và độ khéo léo.
Quay trở lại với câu chuyện của Carlos Yulo và quỹ MVP, quỹ này không tài trợ cho tất cả các môn thể thao mà chỉ tập trung vào một số môn: bóng rổ, quyền anh, cầu lông, taekwondo, golf, TDDC, xe đạp, cử tạ, rugby. Tầm nhìn của quỹ này thể hiện rõ ràng qua dòng giới thiệu trên website: "Truyền cảm hứng và trao quyền cho VĐV Philippines hướng tới HCV Olympic". Chỉ Olympic - không phải bất kỳ giải đấu khu vực hay châu lục nào.
Trong khi đó, Thái Lan lại là đất nước chú trọng đầu tư vào các nữ VĐV. Họ có những nữ VĐV đạt đẳng cấp thế giới ở các môn bóng chuyền, taekwondo, billiards hay golf.
Năm 2017, Atthaya Thitikul trở thành người trẻ nhất từ trước đến nay giành chiến thắng trong một giải đấu golf chuyên nghiệp tại Giải vô địch châu Âu ở tuổi 14.
Sau đó là Panipak Wongpattanakit, nữ võ sĩ taekwondo giành 2 HCV ở 2 kỳ Olympic liên tiếp hay Nutcharut Wongharuthai đã trở thành nữ cơ thủ Thái Lan đầu tiên từng được xếp hạng số một thế giới ở môn billiards.
Nhìn sang một nền thể thao khác trong khu vực cũng rất thành công ở Olympic lần này là Indonesia với 2 HCV và 2 HCĐ (tính đến ngày 9.8), họ cũng chỉ đầu tư trọng điểm cho những môn có hy vọng huy chương.
Để chuẩn bị cho Olympic 2024, Chính phủ Indonesia cung cấp khoảng 4 triệu USD cho các môn thể thao: cử tạ, đạp xe, TDDC, bắn cung, bóng chuyền, taekwondo, cầu lông, lướt sóng, judo, điền kinh và thể thao dưới nước.
Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia Dito Ariotedjo cho biết Chính phủ sẽ tăng số tiền hỗ trợ cho mỗi môn thể thao có VĐV vượt qua vòng loại Olympic để tạo động lực cho họ.
Đến thời điểm này, Indonesia đã có 2 HCV ở Olympic Paris ở các môn cử tạ và leo núi cùng 1 HCĐ môn cầu lông. Trong đó, HCV môn leo núi là khá bất ngờ và môn này cũng mới chỉ được đưa vào hệ thống thi đấu Olympic lần thứ hai.
Bình luận (0)