Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris: Đầu tư chưa trúng đích?

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris: Đầu tư chưa trúng đích?

09/08/2024 12:54 GMT+7

Olympic Paris chưa kết thúc nhưng tất cả 16 VĐV của thể thao Việt Nam đều đã dừng bước mà không có tấm huy chương nào. Những con số thống kê thành tích phần nào cho thấy sự đầu tư chưa trúng đích của thể thao Việt Nam trong thời gian qua.

Olympic Paris chưa kết thúc nhưng tất cả 16 VĐV của thể thao Việt Nam đều đã dừng bước mà không có tấm huy chương nào.

Những con số thống kê thành tích phần nào cho thấy sự đầu tư chưa trúng đích của thể thao Việt Nam trong thời gian qua. Sau cú đột phá đoạt 1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Brazil 2016, thể thao Việt Nam liên tiếp trắng tay khi không đoạt được tấm huy chương nào ở Olympic Tokyo 2021 và gần nhất ở Olympic Paris 2024 đang diễn ra.

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris: Đầu tư chưa trúng đích?- Ảnh 1.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đem về HCV danh giá ở Olympic Brazil 2016

Đã có rất nhiều kỳ vọng từ sau tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh về cú hích cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic, nhưng 8 năm dài đằng đẵng, chúng ta không tận dụng để bứt phá mà còn "cài số lùi".

Nghịch lý là ở 2 kỳ SEA Games 31 (năm 2022), SEA Games 32 (năm 2023), thể thao Việt Nam thống trị ngôi đầu khu vực Đông Nam Á với số HCV lên hơn 100 chiếc. Nhưng rồi khi bước ra đấu trường lớn hơn như ASIAD, Olympic, thành tích của đoàn Việt Nam thụt lùi rất sâu so với các nước cùng khu vực. Ở Olympic Paris 2024, Việt Nam chỉ có 16 VĐV đoạt vé tham dự trong khi Thái Lan có đến 51 VĐV, Indonesia 29 VĐV, Malaysia 26 VĐV, Singapore 23 VĐV, Philippines 22 VĐV.

Tính đến sáng 9.8, các nước Đông Nam Á có tên trên bảng huy chương Olympic Paris là Philippines (2 HCV, 2 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), Indonesia (2 HCV, 1 HCĐ), Malaysia (2 HCĐ), còn thể thao Việt Nam không có nổi tấm huy chương nào.

Trịnh Thu Vinh xuất sắc đem về tấm HCV quý giá cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024

Đến Thu Vinh, dù rất nỗ lực nhưng chỉ có thể dừng ở vị trí thứ tư chung cuộc

Điểm chung mang đến thành công của các nước Đông Nam Á tại Olympic phát huy được sự đầu tư hiệu quả ở các môn thể thao, các nội dung phù hợp với thể trạng "thấp bé nhẹ cân, nhanh nhẹn".

Carlos Yulo, người mang về cho Philippines 2 tấm HCV môn TDDC, chỉ cao 1,5 m. Võ sĩ Panipak mang về HCV cho Thái Lan môn taekwondo ở hạng cân dưới 49 kg. Hạng cân nhẹ của cử tạ, rồi cầu lông cũng là thế mạnh của các nước Đông Nam Á và họ cũng có huy chương từ các môn này. 20 năm trước tại Olympic Sydney 2000, thể thao Việt Nam ghi dấu ấn với tấm HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân.

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris: Đầu tư chưa trúng đích?- Ảnh 3.

VĐV Trần Hiếu Ngân giành HCB tại Olympic Sydney 2000

Chúng ta cũng có 1 HCB của Hoàng Anh Tuấn (Olympic Bắc Kinh 2008), 1 HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (Olympic London 2012) ở môn cử tạ. Chìa khóa về việc đầu tư cho các môn, nội dung phù hợp đã được chỉ ra, nhưng trong thời gian dài (2 kỳ Olympic liên tiếp), thể thao Việt Nam thụt lùi đặt ra dấu hỏi lớn về sự hiệu quả trong việc đầu tư.

Kỳ Olympic thứ hai liên tiếp "trắng" huy chương cho thấy vấn đề rất cũ của thể thao Việt Nam, đó là đầu tư dàn trải. Thay vì tập trung cho các môn trọng điểm hay VĐV trọng điểm, nguồn lực của thể thao bị trải ra quá nhiều môn. Bởi vậy mới có thực trạng, thể thao Việt Nam đua tốt ở SEA Games, có nhiều VĐV ở đẳng cấp Đông Nam Á, nhưng tiến ra châu Á hay thế giới lại không có mũi nhọn nào, khi phần lớn VĐV được huấn luyện, đầu tư "cào bằng" như nhau.

Lấy ví dụ, Singapore đã tốn tới hàng triệu USD để Joseph Schooling tập huấn và thi đấu, trước khi kình ngư này đạt tới đẳng cấp đánh bại Michael Phelps trên đường đua 100 m bơi bướm (Olympic Rio 2016). Hay ngôi sao TDDC Carlos Yulo của Philippines được đào tạo bài bản trong môi trường thể thao học đường, kết hợp với tập huấn quốc tế, nhận học bổng đào tạo lên tới hàng chục nghìn USD mỗi năm từ khi mới 12 tuổi, mới có ngày hôm nay, đoạt 2 HCV Olympic để đưa thể thao Philippines sang trang.

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris: Đầu tư chưa trúng đích?- Ảnh 4.

VĐV TDDC Carlos Yulo của Philippines giành được 2 HCV ở Olympic Paris 2024

Thể thao Việt Nam có bao nhiêu VĐV được đầu tư trọng điểm với kinh phí và chiến lược hoạch định rõ ràng như vậy? Lấy ví dụ trường hợp của Trịnh Thu Vinh. Nữ xạ thủ sinh năm 2000 được đầu tư trong 2 năm qua với những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, Bulgaria, tham gia nhiều giải đấu lớn cùng chuyên gia Park Chung-gun.

Tuy nhiên, từng ấy đầu tư là chưa đủ để thu hẹp cách biệt với những VĐV trưởng thành từ cường quốc bắn súng như Hàn Quốc, vốn được huấn luyện bài bản cả về kỹ thuật lẫn tâm lý nhờ phương pháp đào tạo ưu việt, hay chất lượng cơ sở vật chất mà thể thao Việt Nam chưa thể… mơ tới. Thu Vinh đã chứng minh tiềm năng với hạng tư thế giới, nhưng ranh giới giữa hạng tư và huy chương còn rất xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.