'Phim chưa thu hồi vốn mà bị livestream thì không khác gì giết người'

18/04/2019 10:11 GMT+7

Mặc dù bị lên án gay gắt nhưng việc livestream trong rạp vẫn tiếp diễn. Diễn viên ngán ngẩm còn nhà sản xuất thì thấp thỏm lo sợ những ngày phim ra mắt.

Bị bắt nhưng vẫn tái diễn

Từ cuối năm 2016, việc livestream và phát tán phim chiếu rạp bị vạch trần. Khởi đầu là câu chuyện một khán giả bị bắt khi dùng điện thoại livestream bộ phim Chạy đi rồi tính của đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân. Thời điểm này, mạng xã hội Facebook vừa ra mắt tính năng livestream. Sau đó, nhiều trường hợp vi phạm tương tự cũng xảy ra với loạt phim điện ảnh như: Em chưa 18, Lô tô, Xóm trọ 3D… Đa phần các đối tượng vi phạm bị xử lý qua loa như mời ra khỏi rạp, gỡ và xóa nội dung phim hay nghiêm trọng hơn là lập biên bản.
Vấn nạn livestream trong rạp, làm sao để diệt?1
Đạo diễn Nam Cito bức xúc trước việc livestream phim Chạy đi rồi tính trên trang cá nhân Ảnh: FBNV
Câu chuyện đi đến đỉnh điểm vào cuối năm 2017 khi Ngô Thanh Vân thẳng tay trừng trị đối tượng livestream bộ phim Cô Ba Sài Gòn do “đả nữ” sản xuất, diễn ra tại cụm rạp thành phố Vũng Tàu. Đối tượng vi phạm ngay sau đó bị bắt và xử phạt hành chính với số tiền 15 triệu đồng. E dè vì sợ “lịch sử” tiếp diễn với “con cưng” Hai Phượng, Ngô Thanh Vân viết tâm thư trên trang cá nhân trước ngày bộ phim công chiếu. Nữ diễn viên Dòng máu anh hùng thẳng thắn bày tỏ: “Hai Phượng sẽ được phát hành song song ở cả hai thị trường Việt Nam và quốc tế, vì vậy, vấn đề bản quyền sẽ được đẩy mức độ nghiêm trọng cao hơn trước đây. Bạn sẽ không những bị truy tố bởi tôi, mà còn phải chịu kiện tụng từ nhà phát hành của Mỹ, đơn vị mà tôi đã bán bản quyền cho toàn thế giới. Chính vì lẽ đó, tôi tự hứa với bản thân mình sẽ không nương tay với bất kỳ hành vi vi phạm về luật bản quyền lần này”.
Vấn nạn livestream trong rạp, làm sao để diệt?2
Ngô Thanh Vân quyết liệt xử lý vụ livestream phim Cô Ba Sài Gòn năm 2017 Ảnh: TL
Ninh Dương Lan Ngọc từng không giấu được sự thất vọng khi phát hiện phim mình đóng tràn lan trên mạng xã hội. Mới đây, bộ phim Gái già lắm chiêu do cô thủ vai chính cũng bị phát hiện livestream trong rạp. Chia sẻ trên trang cá nhân, nữ diễn viên Cánh đồng bất tận cho hay: “Từ Cô Ba Sài Gòn đến phim Gái già lắm chiêu 2 vẫn còn tình trạng livestream trong rạp... Đây là hành động phạm pháp và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Hi vọng mọi người đừng hành động sai để đáng tiếc cho bản thân”.
Vấn nạn livestream trong rạp, làm sao để diệt?3
Gái già lắm chiêu 2 là trường hợp livestream và phát tán nội dung phim chiếu rạp gần đây được ghi nhận Ảnh: TL
Trước đó, Minh Luân cũng từng phản ứng gay gắt khi bộ phim Lộ mặt (đạo diễn Vĩnh Thuyên) bị phát tán nội dung ngay ngày đầu chiếu rạp. Nam diễn viên chia sẻ: “Chỉ mới công chiếu ngày đầu tiên mà bị quay hình phát tán trên Facebook như thế này thì quá xót xa, không còn động lực gì nữa. Minh Luân xin các bạn hãy tôn trọng mồ hôi, công sức của người làm phim, đừng livestream như vậy. Cảm thấy stress nặng khi thấy tin này”.

Đau đầu tìm giải pháp

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc ngay sau các báo cáo từ phía nhà sản xuất, tuy nhiên, tình trạng livestream vẫn diễn biến khó lường. Dễ dàng bị phát hiện do livestream ở chế độ công khai, nhiều đối tượng còn chuyển sang quay trực tiếp trong nhóm kín. Số khác kín đáo hơn thì chọn quay lén, sau đó đem nội dung phim phát tán trên các trang phim lậu dưới dạng bản “CAM” (bản quay camera).
Chi 17 tỉ đồng cho Lật mặt 4, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Hải không khỏi lo lắng vào những ngày đầu phim công chiếu. Chia sẻ với Thanh Niên, anh bộc bạch: “Không chỉ riêng tôi mà các nhà sản xuất đều cảm thấy rất sợ mỗi lần phim ra rạp. Khi phim chưa thu hồi vốn mà bị livestream thì không khác gì giết người!”.
Vấn nạn livestream trong rạp, làm sao để diệt?4
Lý Hải chia sẻ rằng anh rất sợ bị livestream mỗi lần phim ra rạp Ảnh: NVCC
Ngoài ra, đạo diễn series Lật mặt còn cho biết: “Để tự cứu phim của mình, tôi phải đăng ký bản quyền trên YouTube, khi có hiện tượng vi phạm thì họ sẽ báo cáo và xóa ngay. Thời điểm này, vợ chồng tôi cũng phải thức sáng đêm kiểm tra các mạng xã hội bởi vì các đối tượng livestream thường đăng tải nội dung lúc 2 đến 3 giờ sáng, thời điểm ít ai chú ý. Do đó, nếu không kịp xử lý thì đến sáng hôm sau, nội dung phim sẽ lan truyền không thể kiểm soát”. Bên cạnh đó, Lý Hải cũng cho rằng việc xử lý mạnh tay từ phía cơ quan chức năng cũng góp phần quan trọng để ngăn chặn các hành vi livestream trong rạp tiếp diễn.
Ra mắt gần đây, Chị Mười Ba do vợ chồng Tiến Luật - Thu Trang sản xuất cũng không tránh khỏi việc bị “quay lén, xem chùa”. Chia sẻ với Thanh Niên về những vấn đề xoay quanh việc bảo vệ bản quyền phim chiếu rạp, "hoa hậu làng hài" tỏ ra khá lạc quan: “Để tình trạng livestream trong rạp không nên tiếp diễn nữa thì tôi nghĩ nên liên tục tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao và cải thiện ý thức của mọi người. Điều này cũng giúp các nhà sản xuất phát hiện sớm các hành vi sai trái mà kịp thời ngăn chặn. Như vừa rồi, khi bộ phim Chị Mười Ba bị quay lén, có nhiều khán giả lập tức báo cho phía rạp rồi chụp lại ảnh gửi cho vợ chồng tôi. Tôi rất cảm kích vì hành động kịp thời này”.
Vấn nạn livestream trong rạp, làm sao để diệt?5
Tạo hình diễn viên Thu Trang trong vai Chị Mười Ba Ảnh: ĐPCC
Căn cứ vào quy định xử phạt các hành vi vi phạm bản quyền có thể thấy mức phạt vẫn chưa là gì so với số tiền mà các nhà sản xuất bỏ ra. Cụ thể, theo Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối tượng có hành vi gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 500 triệu đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 1 tỉ đồng hoặc cải tạo, không giam giữ đến 3 năm. Như vậy, đối với những bộ phim có kinh phí “khủng” như Lật mặt 4, Chị Mười Ba… với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng, liệu quy định này có thấp?
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ cùng Thanh Niên: “Bên cạnh việc xử phạt như trên, thì đối với những bộ phim có mức đầu tư lớn, nhà sản xuất còn có quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình nếu có thể chứng minh được mức thiệt hại thực tế đã xảy ra mà nguyên nhân là do hành vi của người vi phạm. Đồng thời, để bảo vệ mình thì trước tiên, nhà làm phim cũng nên có những động thái cảnh báo người xem phim bằng cách truyền tải các thông điệp liên quan về việc nghiêm cấm sự quay phim, livestream và phát tán trên mạng đối với trước thời điểm công chiếu. Bởi lẽ, một bộ phận không nhỏ khán giả hiện nay thuộc lứa tuổi vị thành niên, ít hiểu biết về pháp luật”.
Thời đại công nghệ lên ngôi, khi việc chia sẻ thông tin chỉ còn là một cú chạm, việc bảo vệ bản quyền trong ngành công nghiệp phim ảnh, xem ra trước tiên phải đi từ chính việc tự bảo vệ mình từ phía các nhà sản xuất. Thẳng tay đưa ra pháp luật và tuyên truyền trường hợp cụ thể, khen thưởng báo cáo vi phạm (report) sẽ là biện pháp hữu hiệu hơn là "giơ tay đánh khẽ", để rồi than khóc những phim sau.
Hành vi livestream và phát tán phim chiếu rạp trên mạng xã hội là hành vi vi phạm quyền tác giả theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, theo bộ luật Hình sự 2015, kể từ ngày 1.1.2018, với thiệt hại trên 100 triệu đồng, đơn vị vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan không chỉ đối mặt với việc phải đền bù mà còn cả bị ngồi tù. Mức phạt tù tùy vụ việc có thể lên tới 3 năm. Trong khi đó, trước đây, việc phạt vi phạm hành chính có thể lên tới 60 triệu đồng và chỉ dừng lại ở đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.