Phim 'cung đấu' Việt: Xem chỉ để... cười

Nguyên Vân
Nguyên Vân
13/11/2018 10:20 GMT+7

Khi cơn sốt tìm kiếm phim về các cuộc đấu đá chốn hậu cung (gọi nôm na là 'cung đấu') Trung Quốc vẫn chưa nguôi, các nhóm làm phim tư nhân VN nhanh nhạy tung ra trên mạng hàng loạt phim, chương trình lấy bối cảnh là hậu cung Việt.

Có thể kể đến phim Nam Phi liên hoàn kế xoay quanh những âm mưu tranh quyền đoạt vị của Bắc Phi, Đông Phi, Tây Phi, Thùng Phi, Kỳ án cung Diên Thọ - chuỗi chương trình thực tế “cung đấu” do các nghệ sĩ hóa thân thành các phi tần tìm người hãm hại mình, Bổn cung giá lâm hay Hoàng hậu họ Huỳnh dù mang tính quảng cáo cho ứng dụng, trò chơi nhưng lồng vào câu chuyện hoàng cung …
Không thể phủ nhận, các chuỗi phim/chương trình chiếu mạng trên đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của khán giả, nhất là trong cơn khát phim cổ trang cung đấu. Với thế mạnh hài của mình, các nghệ sĩ (cũng là người đầu tư) đã “chấm phá” những mảng miếng “độc”, thông qua lời thoại, khiến người xem bật cười vì những tình huống hài hước từ các cuộc đấu đá giữa các phi tần.
Sức hút là thật, với bằng chứng là sau hơn một ngày ra mắt, tập 1 của Nam Phi liên hoàn kế thu về hơn 1 triệu lượt xem, đưa dự án này vào top 3 video thịnh hành trên YouTube và sau đó lượng người theo dõi kênh YouTube của Nam Thư (nhà sản xuất vượt 100.000 lượt đăng ký theo dõi, giúp cô nhận được Nút bạc từ YouTube). Các tập phim/chương trình còn lại cũng hút lượt xem cao không kém.
Làm theo trào lưu, gán ghép tùy hứng
Được quan tâm là vậy, nhưng người xem rất dễ nhận ra các lỗi trái tai xốn mắt, gán ghép tùy hứng. Nam Phi liên hoàn kế lạm dụng hành động… tát với hiệu ứng âm thanh chói tai, tát bằng mu bàn tay nhưng son phấn của người bị tát lại dính ở... lòng bàn tay, nhạc phim thì lồng... đủ kiểu tùy hứng, khi lấy nhạc phim cổ trang Mặt trăng ôm mặt trời, Mây họa ánh trăng (Hàn) lúc trích nhạc phim hoạt hình Inuyasha (Nhật)…
Phim “cung đấu” Việt: Xem chỉ để... cười1
Tạo hình Lê Nhân quý nhân trong Kỳ án cung Diên Thọ
Bổn cung giá lâm, nhạc nền phim được lồng loạn xạ, ánh sáng lúc rõ lúc tối và bị người xem than phiền là “thoại chậm, mảng miếng không sắc, tình huống nhàn nhạt” ngay tại kênh YouTube của phim. Theo nhà sản xuất - diễn viên Thu Trang, khi giới thiệu loạt phim này, ý tưởng ban đầu không có yếu tố cổ trang nhưng sau đó ê kíp đã bổ sung vào nhằm tăng tính giải trí (!)…
Bên cạnh đó, còn là cảm giác khó chịu khi xem các diễn viên nam giả gái. Trong nhiều dự án, từ thái hậu đến hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ “đinh” đều do các diễn viên nam đóng: Minh Dự, Huỳnh Lập, Đào Bá Lộc, Lê Nhân, Quang Trung… Thêm nữa, xem diễn viên “tung hứng”, có cảm giác họ ứng biến trước máy quay hơn là diễn xuất theo đường dây kịch bản dẫn đến một số nhân vật có tính cách không nhất quán. Một đạo diễn (xin giấu tên) cho rằng: “Vì đang chuẩn bị dự án cung đấu nên tôi cũng xem các phim trên. Có lẽ vì làm theo trào lưu nên nội dung khá hời hợt, không nghiên cứu đủ sâu để tạo ra kịch tính, tính chất “cung đấu” không có”.
Anh Tôn Thất Minh Khôi, người sáng lập trang cung cấp thông tin về hậu phi, nội cung VN - Thiên Nam lịch đại hậu phi nhận xét: “Xem các phim trên, tôi chỉ thấy Kỳ án cung Diên Thọ có đầu tư về trang phục khi sử dụng đúng áo tấc, áo chẽn, nhật bình của thời Nguyễn”. Và anh cho rằng phim “cung đấu” Việt chiếu mạng đang được làm một cách khá hời hợt: “Trong khi xem phim cung đấu của Trung Quốc, khán giả có động lực để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của các triều đại, tra cứu tỉ mỉ về thân thế của từng phi tần hay lễ nghi, phục trang... của họ thì thật đáng tiếc khi phim “cung đấu” (tạm gọi) chiếu mạng của ta, theo tôi được biết, cũng được đầu tư số tiền không nhỏ, nhưng chỉ làm cho vui, hoàn toàn không để lại chút kiến thức gì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.