Phim Đất rừng phương Nam đẹp nhưng chưa đã!

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
12/10/2023 07:03 GMT+7

Tối qua (11.10), tại TP.HCM, bộ phim Đất rừng phương Nam đã công chiếu ra mắt báo giới và khách mời. Phim là bài ca hào hùng về vùng đất và con người mảnh đất phương Nam.

Yếu tố "rừng" chưa khai thác nhiều như "đất"

Đất phương Nam là bộ phim truyền hình nổi tiếng và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ, được chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) sản xuất năm 1997. Khi bắt tay thực hiện bộ phim Đất rừng phương Nam, ở thời điểm năm 2018, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: "Ngày trước, kỹ thuật, kỹ xảo phim Việt chưa được tốt nên phim truyền hình không làm yếu tố rừng như trong tiểu thuyết. Ở bản điện ảnh, chúng tôi sẽ làm tốt nhất có thể để bộ phim sinh động, đầy đủ màu sắc đất - rừng phương Nam". Đạo diễn nói phim sẽ quay trong một năm vì buộc phải khai thác đủ 4 mùa xuân - hạ - thu - đông để đúng tinh thần, cảnh sắc phong phú của vùng đất Nam bộ.

Phim Đất rừng phương Nam đẹp nhưng chưa đã ! - Ảnh 1.

Đại cảnh chợ nổi miền Nam xưa trong phim Đất rừng phương Nam

GALAXY

Tuy nhiên, khi bước vào thực tế sản xuất, do bài toán kinh tế không cho phép dàn trải thời gian quay nên Đất rừng phương Nam chỉ được quay gần 2 tháng và tất nhiên, hình ảnh thiên nhiên vùng đất miền Tây Nam bộ trong phim đã không diễn tả hết nét hoang sơ, và cả sự sinh động, tràn đầy sức sống của thiên nhiên rừng U Minh như trong cuốn sách. Ngoài những cảnh đẹp quay ở vùng quê nông thôn đầy thơ mộng như "MV ca nhạc" với những cú máy flycam từ trên xuống những hàng đước, hàng tràm, yếu tố "rừng" trong phim thực sự chưa có nhiều, trong khi chính nó mới là "hồn cốt" để những câu chuyện của bác Ba Phi và những nhân vật như An, Cò, ông Ba bắt rắn, Võ Tòng… có nơi để "vùng vẫy". Nhiều ý kiến sau khi xem cũng cho rằng màu sắc của những cảnh quay thiên nhiên trong phim Đất rừng phương Nam hơi thiếu sự mộc mạc và cái "hồn" cho một câu chuyện về mảnh đất và con người miệt vườn Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bởi tất cả đều đẹp một cách lung linh, hoành tráng.

Nói thế, nhưng cũng phải công nhận Đất rừng phương Nam là một bộ phim tốt, có chất lượng cao bởi sự đầu tư công phu với hàng ngàn người góp sức cho tất cả các cảnh quay. Ngoài điều đáng tiếc trên, phim vẫn có câu chuyện xúc động về lòng yêu nước, về tình người cưu mang đùm bọc nhau thời loạn lạc của người miền Tây vào thời điểm năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam bộ. Sự nhập vai, diễn xuất tốt của hầu hết các diễn viên, cùng tay nghề nhiều năm kinh nghiệm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã làm nên một bộ phim ở mức tốt so với mặt bằng chung của phim Việt hiện nay. Có thể nói, Đất rừng phương Nam là một bộ phim đáng xem, sẽ không khiến khán giả tiếc tiền và thời gian khi đến rạp.

Sẽ có phần 2, phần 3 nên phần đầu còn lưng chừng ?

Vì đây là dự án phim có kinh phí lớn, được xem là "bom tấn" của điện ảnh Việt, nên giới chuyên môn cũng như khán giả rất kỳ vọng ở chất lượng tổng thể bộ phim. Xem hết thời lượng 1 tiếng 50 phút của bộ phim, có thể thấy câu chuyện về số phận các nhân vật vẫn chưa khép lại, câu chuyện tìm cha của An còn dang dở, như câu kết phim chạy trên màn hình "Hành trình vẫn còn tiếp ở phía trước" khi phim mở ra hình ảnh của nhân vật mới là Út Trong cùng cảnh Võ Tòng giết cá sấu cứu nguy. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: "Tôi hy vọng có dịp cùng Trấn Thành làm các phần tiếp theo, vì chúng tôi chỉ lấy một phần nội dung tiểu thuyết gốc để làm phim đầu. Tôi vẫn muốn sản xuất thêm nếu có điều kiện".

Phim Đất rừng phương Nam đẹp nhưng chưa đã ! - Ảnh 2.

Tuấn Trần - vai Út Lục Lâm cùng Hạo Khang - vai bé An là hai nhân vật chính trong phim Đất rừng phương Nam lần này

Với câu chuyện phần mở đầu này, phim tập trung vào hành trình của cậu bé An (Hạo Khang thủ vai) khi cùng mẹ (Hồng Ánh) chạy giặc, rồi gặp Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng), để sau đó Út Lục Lâm trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ khi An lưu lạc trên đường tìm cha. Hoàn cảnh của An khiến Út Lục Lâm đồng cảm, bởi anh cũng xuất thân là trẻ bụi đời, sau đó trở thành kẻ móc túi để sinh tồn. Cả hai nhân vật này lại tiếp tục thất lạc nhau, để rồi An gặp thêm cha con ông Tiều làm nghề sơn đông mãi võ (Tiến Luật và bé Bảo Ngọc đóng), cô Tư Mắm (Băng Di), bác Ba Phi (Trấn Thành), ông Ba bắt rắn và Cò (NSƯT Công Ninh, bé Kỳ Phong), thầy giáo Bảy trong gánh hát (Hứa Vĩ Văn), cha ruột bé An (Huỳnh Đông)… Các nhân vật trong phim đều sinh động, và các diễn viên đều thể hiện trọn vẹn vai diễn của mình, nhưng có lẽ do sự hạn hẹp về thời lượng nên các nhân vật chưa được miêu tả sâu về hoàn cảnh, tính cách, tâm lý ra sao để có những hành động như trên phim và cái kết cũng chưa cho biết rõ họ sẽ ra sao, bởi như đoàn phim nói sẽ còn nhiều phần sau nữa. Chính điều này khiến phim bị lưng chừng trong cảm xúc của khán giả về các nhân vật.

Dù vậy, thông qua một số nhân vật, Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng đã chuyển tải được lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nước trong mỗi người dân lục tỉnh, khiến khán giả xúc động.

Phim Đất rừng phương Nam sẽ có suất chiếu sớm, từ 19 giờ ngày 13.10, chiếu nguyên ngày 14 và 15.10, sau đó đến 20.10 mới chiếu xuyên suốt. Phim gắn nhãn K, sẽ dành cho mọi đối tượng, trong đó khán giả dưới 13 tuổi được xem với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. 

NỖI LO CỦA NHÀ SẢN XUẤT

Diễn viên - nhà sản xuất Trấn Thành sau buổi công chiếu phim cho biết: "Cả đoàn phim đều áp lực và lo khi Đất rừng phương Nam ra rạp, vì phim đầu tư kinh phí lớn, phải đạt hơn trăm tỉ đồng mới hòa vốn. Chúng tôi lo vì không rõ khán giả có chịu đi xem hay không, vì công chúng hiện mất lòng tin với phim Việt, doanh thu phim Việt đang rất thấp, họ ra rạp rất ít vì đã quen xem phim trên các nền tảng trực tuyến ở nhà".

Nghệ sĩ Mạc Can (đóng vai bác Ba Phi ở bản phim truyền hình) dù đang ngồi xe lăn do tuổi cao sức yếu cũng đến với buổi công chiếu, đã vỗ vai Trấn Thành và phát biểu: "Yên tâm đi, phim hay mà, khán giả sẽ đến xem vì một siêu phẩm kỳ công và đầy tâm huyết như Đất rừng phương Nam".

Có mặt cùng dàn diễn viên đóng Đất phương Nam từ 25 năm trước, diễn viên Cát Phượng (từng đóng vai Tư Mắm) chia sẻ: "Tôi tin phim sẽ thu hút khán giả đến rạp và bản thân tôi thấy phim rất hay, nhiều đoạn khiến tôi không cầm lòng được, rơi nước mắt một cách tự nhiên vì các diễn viên mới đóng quá đạt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.