Chỉ vài ngày sau khi lên sóng, The haunting of Bly manor đã chiếm lĩnh vị trí số 3 trên bảng xếp hạng top trending của Netflix tại Việt Nam. Thừa hưởng sức nóng từ danh tiếng của của sê-ri The haunting of hill house hai năm trước, đạo diễn Mike Flanagan lựa chọn cho The haunting of Bly manor một kịch bản độc lập, từ tốn hơn nhưng vẫn gây ám ảnh dai dẳng.
|
The haunting of Bly manor kể câu chuyện về cô gia sư trẻ Dani được đại gia Henry Wingrave thuê về làm bảo mẫu toàn thời gian cho 2 đứa cháu mồ côi. Chạy trốn quá khứ không mấy tươi đẹp tại quê nhà, Dani kì vọng sẽ tìm được cuộc sống mới nơi dinh thự bình yên ở vùng ngoại ô Bly cùng những đứa trẻ ngây thơ. Cô không ngờ căn dinh thự thơ mộng lại là nơi ẩn chứa nhiều bí mật kinh hoàng, để lại dư chấn tâm lí dai dẳng cho 2 đứa trẻ cũng như tất cả những người giúp việc sinh sống và làm việc tại đây. Sau khi cha mẹ qua đời và cô bảo mẫu trước là Rebecca tự sát, cả hai đứa trẻ Flora và Miles đều có vấn đề về mặt tâm lý và lối hành xử vô cùng kì quặc.
Với một nhịp độ từ tốn, The haunting of Bly manor mở ra hàng loạt khung cảnh đẹp mê hồn của vùng ngoại ô nước Anh. Căn dinh thự của nhà Wingrave lộng lẫy như một lâu đài trong truyện cổ tích, từng ngóc ngách đều được cô bé Flora miêu tả với cụm từ “đẹp tuyệt vời”. Tuy nhiên, nơi phong cảnh hữu tình đó đã phải chứng kiến những cái chết đầy day dứt. Điều khiến cho The haunting of Bly manor khác biệt nằm ở yếu tố “3 không”: không máu me, không la hét, không hù dọa suông.
|
Loại bỏ những trò giết người dã man và những vết tích đẫm máu, đạo diễn Mike Flanagan vẫn có cách riêng để dẫn người xem đến với những câu chuyện ở quá khứ, nơi những người đã khuất bị dày xé và tổn thương tinh thần nhiều hơn là thể xác. Đằng sau mỗi bóng ma đều có những câu chuyện riêng cần nhiều thời gian để nhân vật chính có thể lật giở, khai phá. Bởi thế, những hồn ma nơi trang viên vùng Bly không vồn vã hù dọa, phá phách gia chủ như thông thường mà xuất hiện rất lặng lẽ qua những cú máy đầy tính gợi của đạo diễn. Mỗi lần các hồn ma xuất hiện đều có chủ đích, nhằm bóc tách thêm một mảnh ghép trong câu chuyện quá khứ chứ không hề dọa suông cho vui. Phim rất biết cách tiết chế các yếu tố jumpscare vốn hay bị lạm dụng một cách thừa thải ở các phim kinh dị kiểu cũ. Ngay cả trong những phân cảnh ban ngày, không khí của khu dinh thự vẫn mang đến một cảm giác rợn người, u tịch.
Ngoài ra, The haunting of Bly manor tập trung khai thác rất sâu tâm lý của từng nhân vật trong phim, bất kể họ còn sống hay đã chết. Nhìn chung, nhân vật chính Dani lẫn các nhân vật phụ đều có tiến trình tâm lý rõ ràng, mỗi người đều mang trong lòng những nỗi niềm sâu kín, suy nghĩ và cách họ đối diện với những thảm kịch trong quá khứ cũng không hề giống nhau. Cùng chung sống dưới một mái nhà kì lạ, từ người quản gia, anh đầu bếp cho đến cô làm vườn đều toát lên một vẻ bí ẩn khơi gợi sự tò mò nơi khán giả. Mỗi người là một chiếc chìa khóa quan trọng trong một câu chuyện lớn có lớp lang, được xây dựng chặt chẽ. Sự ám ảnh mà The haunting of Bly manor mang đến không đơn thuần chỉ nằm ở các yếu tố ngoại vi mà còn ẩn giấu sâu trong tiềm thức của các nhân vật. Và nỗi ám ảnh xuyên suốt này phần lớn đến từ tình yêu cùng những phẫn uất, niềm tiếc nuối, những tổn thương mà nó để lại. Phần thoại cũng là một điểm sáng của phim khi có cài cắm nhiều triết lý sâu cay về sự sống và cái chết, cách mà con người bị lãng quên khi họ lìa xa cõi trần.
|
Dàn diễn viên trong The haunting of Bly manor hầu hết đều là những gương mặt từng xuất hiện trong The haunting of hill house 2 năm về trước. Ở lần tái xuất này, dù được giao cho những tuyến nhân vật có tính cách khác biệt nhưng các diễn viên đều làm rất tốt vai trò của mình. Nữ chính Victoria Pedretti có sự tiến bộ vượt bậc. Cô thể hiện hoàn hảo nội tâm của một cô gái trẻ với nhiều hoài bão, bên ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong luôn phải dằn vặt, ám ảnh về mối tình trong quá khứ. Đặc biệt, hai nhân vật khiến khán giả phải chú ý nhất từ tập đầu tiên chính là những đứa trẻ nhà Wingrave được thủ vai bởi hai diễn viên nhí: Amelie Smith và Benjamin Evan Ainsworth. Chúng sở hữu vẻ ngoài đáng yêu, lịch thiệp của những “cậu ấm, cô chiêu” nhưng đôi khi lại có những hành động, biểu cảm khiến cho người xem phải rợn gai óc.
Nhìn chung, The haunting of Bly manor không phải là bộ phim có khả năng làm cho khán giả phải run rẩy bịt mắt, thót tim. Phim thậm chí được đánh giá là “nhẹ đô” so với thị hiếu của những người xem trung thành với thể loại kinh dị. Tuy nhiên, điều làm nên sức hút cho tác phẩm của Mike Flanagan nằm ở tính hiện sinh. Phim trở nên gần gũi bởi nó tập trung vào yếu tố con người nhiều hơn là những điều kì quái của thế giới tâm linh. Mỗi chúng ta có thể không bị ám bởi một hồn ma, nhưng luôn bị “ám” bởi một lỗi lầm từng gây ra trong quá khứ. Vì vậy, The haunting of Bly manor thành công nhờ đưa ra được một thông điệp mạnh mẽ, nhất quán. Trong khi đây thường xuyên là “tử huyệt” của các bộ phim thuộc thể loại kinh dị, vốn chỉ chú trọng vào cảm giác nhất thời.
Bình luận (0)