Phim nhà nước - tư nhân hợp tác: Chờ đợi sự 'cải tổ'

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
18/10/2022 07:09 GMT+7

Mới đây, Cục Điện ảnh đã gửi thư mời các đơn vị làm phim để tuyển chọn kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách. Điều này cho thấy ngành điện ảnh đang tích cực phá bỏ tư duy độc quyền với phim nhà nước đặt hàng.

Tạo sự bình đẳng cho mọi đơn vị sản xuất

Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành cho biết: “Với mong muốn có nhiều kịch bản tốt, lần đầu tiên Cục gửi thư đến các cơ sở điện ảnh mời gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2025”. Trong thư mời, Cục Điện ảnh thông báo các nhóm đề tài kịch bản tham dự tuyển chọn sản xuất cho thể loại phim truyện, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình. Về thời hạn, ngày 30.4 hằng năm là thời hạn cuối cùng nhận kịch bản để tuyển chọn đưa vào kế hoạch nhà nước đặt hàng sản xuất phim của năm tiếp theo.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2015 đạt doanh thu 78 tỉ đồng

ĐPCC

Đối với riêng kịch bản phim truyện, các nhóm đề tài gồm có: lịch sử, cách mạng; lãnh tụ; danh nhân; anh hùng dân tộc; trẻ em; dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa VN; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phản ánh công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước; bảo vệ chủ quyền biển đảo; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người VN, phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.

Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác chiếu rạp tháng 5.2022 thu được 6,5 tỉ đồng

Kịch bản tham gia tuyển chọn là kịch bản chưa được sản xuất phim, có thời lượng để sản xuất phim truyện từ 90 - 100 phút, đơn vị gửi kịch bản tham dự tuyển chọn chịu trách nhiệm các vấn đề về tác quyền và cần đáp ứng quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP về năng lực sản xuất phim của đơn vị. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành: “Lâu nay, việc chọn kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước dường như được hiểu là sân chơi của các hãng phim, đơn vị làm phim từng là của nhà nước. Việc Cục Điện ảnh gửi thư tới các đơn vị sản xuất phim không kể họ đã từng thuộc về nhà nước hay nhà sản xuất tư nhân nhằm phá bỏ tư duy cục bộ, tạo sự bình đẳng cho mọi đơn vị sản xuất”.

Luật Điện ảnh 2022 xác định VN tiến đến “công nghiệp điện ảnh”, xem điện ảnh là ngành kinh tế, thay vì chỉ đơn thuần là hoạt động điện ảnh cho thấy nhà nước ngày càng nhận ra tầm quan trọng của ngành này. Và nếu muốn điện ảnh trở thành ngành kinh tế, thì phim làm ra buộc phải có doanh thu, thế nên mục tiêu của phim nhà nước - tư nhân hợp tác là phải thu hút khán giả đến rạp xem. Có thể thấy, việc bắt tay giữa nhà nước - tư nhân rõ ràng là giúp phát huy lợi thế mỗi bên, góp phần tạo ra một tác phẩm điện ảnh dung hòa hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Đạo diễn Khoa Nguyễn cho biết: “Đây là bước đi nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất phim, nâng cao chất lượng các dự án phim nhà nước đặt hàng. Sự đồng hành của nhà nước sẽ tiếp thêm lửa nghề cho những người làm phim có thực lực. Một bộ phim hay chắc chắn phải đến từ dự án hay, đạo diễn giỏi. Quan trọng là nhà nước chọn đơn vị nào; kịch bản, đạo diễn tài năng nào; có minh bạch hay chính xác vì mục tiêu phát triển điện ảnh Việt hay không...”.

Nhiều băn khoăn, vướng mắc còn phải tháo gỡ

Nhà nước và tư nhân đã từng kết hợp làm phim trong thời gian qua, nhưng không phải phim nào cũng thành công về doanh thu (như các phim: Thạch Thảo, Truyền thuyết về Quán Tiên, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác…), ngoại trừ duy nhất phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn thu được 78 tỉ đồng vào năm 2015.

Được biết, số lượng cho phép phim nhà nước - tư nhân hợp tác không nhiều, chỉ 2 - 3 phim truyện trong 2 năm; và đã có thực tế trước đây nhiều đơn vị có năng lực làm phim tốt, nhưng do tâm lý e dè nên họ không tham dự tuyển chọn kịch bản. Kinh phí tối đa từ ngân sách nhà nước với một bộ phim truyện hiện nay cũng còn hạn hẹp, chỉ mới dừng ở 20 tỉ đồng, trong khi mặt bằng chung làm phim điện ảnh có sự đầu tư từ mức khá trở lên đang là 50 - 60 tỉ đồng/phim. Ông Vi Kiến Thành nói: “Cục Điện ảnh khuyến khích các đơn vị sản xuất nếu được duyệt kịch bản làm phim từ ngân sách vẫn phải cố gắng huy động thêm các nguồn vốn khác. Không nên mặc định phim nhà nước cấp kinh phí chỉ dùng tiền tài trợ của nhà nước, vì với kinh phí hạn hẹp đó thì sẽ không đủ cho nhiều khâu để đầu tư khác như sản xuất, dàn dựng bối cảnh, trang phục, hậu kỳ, kỹ xảo, đặc biệt là khâu quảng bá phim...”.

Hiện tại, nhiều nhà sản xuất lẫn lãnh đạo ngành đều cho biết vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc khi nhà nước - tư nhân hợp tác làm phim. “Do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ trong việc xác định chủ sở hữu nên không biết khi phim làm ra là của nhà nước hay thuộc về tư nhân; việc quảng bá, phát hành sau khi phim sản xuất ra sẽ do ai tiến hành, và nếu có được lợi nhuận thì ăn chia ra sao... Tôi nghĩ đã đến lúc cần sự thay đổi cả từ những người làm ra chính sách”, bà Vũ Bích Liên, nhà sản xuất phim kiêm chủ rạp Mega GS nêu ý kiến.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL giải thích rõ thêm cho những thắc mắc trên: “Ai đủ năng lực thì sẽ được nhận dự án, cụ thể ở điều 14 luật Điện ảnh 2022 quy định việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu; và chủ đầu tư sẽ là Bộ VH-TT-DL, cơ quan ngang bộ… Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, thành lập hội đồng thẩm định kịch bản... Tất cả được nêu rõ trong dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh: Đơn vị làm phim phải lập hồ sơ dự án sản xuất gửi cơ quan quản lý với đầy đủ chi tiết như: giá sản xuất phim, kịch bản chi tiết và phương án sản xuất phim (ghi rõ ai đạo diễn, có sự góp mặt của diễn viên chính nào…), phương án phát hành, phổ biến phim. Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim do chủ đầu tư thành lập sẽ tiếp nhận và đánh giá, định giá tổng thể hồ sơ để có quyết định làm phim hay không và kết quả lựa chọn sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan”.

Ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận: “Việc kêu gọi các đơn vị tư nhân cùng tham gia cuộc tuyển chọn kịch bản chỉ là bước đầu để tạo ra được những bộ phim chất lượng tốt; và sẽ còn rất nhiều việc, nhiều tình huống khó khăn trong thực tế triển khai cần phải tháo gỡ ở thời gian tới để rộng đường cho các nhà sản xuất tư nhân kết hợp cùng nhà nước làm phim”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.