Phim truyền hình Việt dài lê thê, khán giả than mệt khi theo dõi

25/08/2021 15:35 GMT+7

Không ít phim truyền hình Việt đang bị khán giả kêu ca vì nội dung dài dòng, lê thê, vô lý, thiếu chặt chẽ, làm người xem phát mệt khi theo dõi.

Bộ phim Hương vị tình thân đang được phát sóng phần 2 trên kênh VTV1. Nếu ở phần 1, phim nhận được những phản hồi tích cực thì đến phần 2, không ít khán giả đang thấy mệt mỏi khi phải xem những tình tiết thừa thãi, kéo dài không đáng có, thậm chí vô lý, khó hiểu.

Chán vì cái nốt ruồi!

Trong tập phim Hương vị tình thân vừa phát sóng tối 24.8, nhân vật Long hẹn gặp người yêu cũ là Thiên Nga để xin lỗi, rồi còn hứa sẽ đáp ứng tiền bạc và công việc nếu cô này muốn. Không ít khán giả khó hiểu, đặt câu hỏi về lý do nhà làm phim đưa chi tiết này vào. Nếu đó là cách nhân vật Long “chặn trước” để người yêu cũ không “phá” chuyện tình yêu của mình với Nam thì có lẽ nhà làm phim cũng nên có cách dẫn dắt dễ hiểu hơn cho người xem.

Trước đó, nhiều khán giả xem phim này phát ngán với chuyện nhân vật Diệp vì đem lòng yêu Dũng mà có ý định đi tẩy nốt ruồi trên mặt. Bị mẹ là bà Bích mắng mỏ, phản đối nhưng Diệp vẫn quyết đi tẩy bằng được. Khi biết con đã tẩy đi cái nốt ruồi, bà Bích giận dữ, chửi bới, gào khóc, đòi con phải đi đắp lại cái nốt ruồi quý. Chỉ mỗi câu chuyện “tẩy nốt ruồi” này mà kéo dài suốt 2 tập phim (từ tập 15 tới tập 16) của phần 2 Hương vị tình thân.

Thời lượng của một tập phim (trừ quảng cáo) chỉ khoảng hơn 20 phút, vậy nhưng chuyện “tẩy nốt ruồi” đã ngốn không ít, làm nhiều khán giả kêu ca: “Đến 2/3 của 2 tập phim mà chỉ xoay quanh cái nốt ruồi. Mệt cả người”, “Tập phim chả đâu vào đâu rõ chán”, “Chủ đề chỉ xoay quanh cái nối ruồi. Chấm hết!”, “Quay đi quay lại vấn đề nốt ruồi hết phim luôn. Chán!”…

Bộ phim Cây táo nở hoa được Việt hóa từ kịch bản của phim Hàn Quốc, nhưng cũng không thoát khỏi “bệnh” dài dòng, lê thê của nhiều phim Việt.

Phim gây chú ý trong nhiều tập đầu nhưng càng về sau lại khiến khán giả mệt mỏi vì những tình tiết lặp lại, không tập trung vào giải quyết những vấn đề đưa ra, gây ức chế với những bi kịch nối tiếp bi kịch. Khán giả bình luận: “Càng ngày càng không muốn xem nữa, xem cảm thấy stress luôn”, “Chưa xem phim nào thấy mệt như cái phim này”…

Để tăng quảng cáo?

Cũng tương tự, bộ phim Hướng dương ngược nắng dù gây “cơn sốt” ở phần 1, nhưng tới phần 2 lại bị khán giả la ó, chỉ mong kết thúc sớm. Nhiều khán giả bày tỏ thất vọng: “Thật lòng cố lắm nhưng hôm nay thì chính thức không chịu nổi Hướng dương ngược nắng nữa rồi. Đến chết với các tình tiết”, “Mấy tập này thoại nghe toàn như mấy người hết hơi nói chuyện, xem phim mà vừa mệt mỏi vừa buồn ngủ…”, “Mấy tập này của Hướng dương ngược nắng chơi trò mèo vờn chuột chán không để đâu cho hết”.

Dễ thấy, nhà sản xuất phim nào cũng bị chịu sức ép doanh thu. Bởi vậy, nhiều phim truyền hình đáng ra đã có thể kết thúc, nhưng vẫn được cố “bôi” không nằm ngoài mục đích tăng thêm tiền quảng cáo.

Theo bảng giá của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, giá quảng cáo phim truyền hình ở khung giờ vàng nằm ở một trong những mức cao nhất. Cụ thể, giá quảng cáo ở khung giờ phát sóng phim Việt Nam (từ thứ 2 - thứ 6) từ 21 giờ 00 đến 21 giờ 30 là 90 triệu đồng/30 giây. Còn với khung giờ phát phim Việt Nam từ 21 giờ 30 - 22 giờ 30 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, mức giá quảng cáo trước thời điểm phát sóng là 140 triệu đồng/30 giây, trong thời điểm phát sóng lên tới 150 triệu đồng.

Có thể thấy, phim Hương vị tình thân (dự kiến dài tới 120 tập) đang phát sóng trên kênh VTV1 từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần, ở khung giờ 21 giờ - 21 giờ 30. Thời lượng phát sóng chỉ khoảng hơn 20 phút, còn thời lượng quảng cáo khoảng gần 10 phút (trước và trong phim)

Mỗi phim truyền hình Việt hiện nay trung bình có hàng chục đến hàng trăm tập. Để bộ phim hấp dẫn từ đầu đến cuối với độ dài như vậy là việc không dễ. Trong nhiều trường hợp, nhà làm phim bị cạn kiệt ý tưởng, dẫn tới việc phim càng ngày càng nhạt.

Nhà sản xuất hay nhà làm phim cũng giống như đầu bếp, khi chuẩn bị một bữa ăn cần tính toán sao cho hợp lý với những nguyên liệu mình có. Nếu cứ cố làm thêm món mà không có nguyên liệu, hay người làm đã “đuối sức” thì bữa ăn làm sao vừa miệng thực khách. Khán giả cũng như thực khách dùng phải món ăn nhạt nhẽo, toàn sạn thì có khác nào như bị “tra tấn”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.