Phim truyền hình Việt ít sắc màu

Nguyên Vân
Nguyên Vân
24/09/2020 06:37 GMT+7

Nếu là fan phim truyền hình Việt những năm gần đây, khán giả hẳn không khó nhận thấy chiếm phần lớn là phim tâm lý tình cảm về đề tài gia đình, thiếu sự đào sâu đề tài mới lạ; cũng như thiếu hẳn các thể loại cổ trang, lịch sử, kỳ ảo...

Điểm qua loạt phim đang/đã phát sóng thời gian qua tạo được sự quan tâm của khán giả: Cát đỏ, Yêu trong đau thương, Những nàng dâu nổi loạn, Đừng bắt em phải quên, Tiệm bánh dì ghẻ, Sống chung với mẹ chồng, Bán chồng, Về nhà đi con, Hoa cúc vàng trong bão, Cả một đời ân oán... (VTV), Dâu bể đường trần, Sui gia đại chiến, Mẹ ghẻ, Tiếng sét trong mưa... (THVL), Giọt máu vô hình, Ngày đông có nắng, Hoa trong bão, Hoa vẫn nở mùa đông, Khi thân chủ là người tình... (SCTV), Gạo nếp gạo tẻ, Gia đình là số 1 (HTV)... hay vừa lên sóng là Trói buộc yêu thương (21.9), Vua bánh mì phiên bản Việt (22.9), sắp tới có Chọc tức vợ yêu (7.10)... sẽ thấy các phim đều tập trung vào chủ đề hôn nhân - gia đình, từ hôn nhân bình thường đến mẹ đơn thân hay gà trống nuôi con, giải quyết mâu thuẫn, xung đột thế hệ hoặc tham vọng của thế hệ trước gây ra bi kịch cho thế hệ sau...

Muốn an toàn, ngại đụng chạm?

Giữa hàng loạt phim tâm lý tình cảm lấy câu chuyện gia đình làm trung tâm, hiếm hoi mới có một phim chính luận như Sinh tử (VTV, “đánh” vào vấn đề ung nhọt cần loại bỏ của xã hội - tham ô), hay phim võ thuật cổ trang Đò xuôi vạn lý (SCTV, về cuộc đời của tay tướng cướp vang danh giang hồ); hoặc một vài phim khai thác đề tài khác ngoài hôn nhân gia đình: Lựa chọn số phận - về nghề thẩm phán, Tình yêu và tham vọng, Nhà trọ Balanha, Cô gái nhà người ta - về hành trình lập nghiệp, khát khao khẳng định bản thân của giới trẻ.

Phần lớn phim truyền hình, dù màu sắc gì thì cuối cùng vẫn xoay quanh trục gia đình

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Mega GS

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Mega GS (đơn vị tư nhân sản xuất khá đều phim truyền hình hiện nay), thừa nhận: “Phần lớn phim truyền hình, dù màu sắc gì thì cuối cùng vẫn xoay quanh trục gia đình. Vua bánh mì hay Vợ quan mà chúng tôi sắp thực hiện, dù nói về nghề làm bánh hay khai thác chuyện quan trường thì cũng không thoát ra ngoài chuyện gia đình của chủ tiệm bánh hay vợ các ông quan”. Dù vậy, bà cho rằng: “Khoan bàn chuyện hơi xa vời hiện nay là một số thể loại (cổ trang, kỳ ảo, lịch sử...) muốn hay phải đầu tư kinh phí tới nơi tới chốn, riêng phim tâm lý tình cảm thôi đã khó có sự đa sắc rồi. Phải hiểu là, mình làm phim mà chệch một tí suy nghĩ chung của khán giả đã là khó; những vấn đề hơi không bình thường, bất hợp lý một chút là bị phản ứng ngay, điều đó làm người làm phim chùn tay”.
Bà Liên nhận xét, không ít người xem phim truyền hình ở ta hiện nay vẫn không phân định đâu là phim, đâu là đời. Nước ngoài thì khác, phim khoa học viễn tưởng, kỳ ảo hay thậm chí tình cảm - hài, người ta xem vẫn thấy bình thường, còn mình đôi khi không chấp nhận, bảo xạo, phi lý.

Thiếu kịch bản hay - vấn đề then chốt

Nhìn lại các phim truyền hình đình đám gần đây, sẽ thấy không ít trong số đó đều có kịch bản/phim gốc từ nước ngoài (Tình yêu và tham vọng, Nhà trọ Balanha, Tiếng sét trong mưa, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ phần 1, Gia đình là số 1...) và còn nhiều dự án chuyển thể sắp phát sóng, hoặc đang triển khai. Ngay như Vua bánh mì, dù vẫn là câu chuyện gia đình nhưng theo đạo diễn - NSƯT Phương Điền, vì không có kịch bản thật sự thuyết phục nên cuối cùng nhà sản xuất đã mua câu chuyện của Vua bánh mì vốn rất hay và nổi tiếng từ Hàn Quốc. Hay, vì muốn làm phim về chuyện quan trường mà Mega GS đã mua lại câu chuyện từ tác phẩm Vợ quan (Trung Quốc) để xây dựng kịch bản và “đắp vào” những vấn đề xã hội Việt Nam. Trước đó, khi Việt hóa Hậu duệ mặt trời của Hàn, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Giám đốc Công ty BHD (đơn vị sản xuất), cho biết vì nhà sản xuất không tìm được kịch bản nào có câu chuyện hay, hấp dẫn về người lính Việt Nam trẻ tuổi hôm nay nên đành phải mua bản quyền làm lại.
“Để có những tác phẩm đi vào đề tài gai góc hay thể loại mà phim truyền hình Việt đang thiếu, rất cần những ê kíp tâm huyết đồng bộ về trình độ và chuyên môn. Trong khi khởi nguồn của phim là kịch bản thì trường điện ảnh lớn phía nam là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tuy có Khoa Biên kịch nhưng vài năm nay không thấy tuyển sinh”, nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi, Giám đốc YA Film, nói. Thực tế, theo bà, một số biên kịch được đào tạo bài bản và có tay nghề cao thì nay cũng đến tuổi... gác bút; nhiều biên kịch hiện từ các ngành khác chuyển qua.
Đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc cũng rất tâm tư về việc thiếu kịch bản phim truyền hình sâu sắc, chất lượng cao. Ông cho rằng sở dĩ có tình trạng này là do người viết ít dám đề cập trực diện vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội, đánh động vào những khủng hoảng nội tại của con người. “Thử nhìn sang phim truyền hình các nước bạn, họ dám đặt vấn đề mới, từ trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối ra sao, xông xáo trực diện hay đón đầu đề tài về hệ quả của sự phát triển xã hội để đánh động, còn ta dường như theo đường mòn, cứ tình cảm nhẹ nhàng vậy làm sao lôi cuốn khán giả được”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.