Nếu tính từ thời điểm Tết Nguyên đán với loạt phim nội địa gồm: Chìa khóa trăm tỉ (làm lại từ phim Hàn Quốc), 1990, Nhà không bán, Mưu kế thượng lưu và Trạng Tí phiêu lưu ký (phát hành lại), trong số này, ngoài các phim trung bình - khá, thì 1990 và Mưu kế thượng lưu đều nhận phản hồi không tốt từ phía khán giả.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đánh giá thấp về chất lượng kịch bản, diễn xuất cũng như lối kể chuyện thiếu sự mới mẻ; đặc biệt 1990 với câu chuyện “đầu voi đuôi chuột”, phần kết “trớt quớt” đã phá hỏng đường dây câu chuyện, bị đánh giá là một bước lùi vô cùng đáng tiếc của đạo diễn Nhất Trung khi anh từng thành công với Cua lại vợ bầu. Trong khi đó, Chìa khóa trăm tỉ dù có doanh thu khả quan trên 67 tỉ đồng nhờ sức hút của bộ đôi diễn viên Kiều Minh Tuấn - Thu Trang, nhưng bản chất câu chuyện “bị mất trí nhớ” để hoán đổi thân phận theo cách rất phi logic đã gây ức chế cho khán giả.
Cảnh trong phim Bóng đè |
ĐPCC |
Đến mùa Valentine, 2 phim Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà nối tiếp ra rạp cũng nhận được nhiều bình luận trái chiều. Không phủ nhận đây là 2 phim tạm xem được, nhưng Chuyện ma gần nhà đã “gây chia rẽ giới phê bình” khi có nhiều ý kiến “quay xe” và bày tỏ sự thất vọng với tác phẩm có nhiều phần rối rắm. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng chuỗi chủ đề truyền thuyết đô thị là mỏ vàng thực sự trong dòng phim kinh dị VN, nhưng đạo diễn đã kể “câu chuyện ma thiếu hồn, cách xử lý đường dây câu chuyện thiếu sự xuyên suốt, tâm lý nhân vật thiếu nhất quán… khiến 3 câu chuyện trong phim rơi vào trạng thái lơ lửng nửa vời”. Khi hiệu ứng truyền miệng không còn, dù thắng ngay khi khởi chiếu, doanh thu phim này đã có dấu hiệu giảm nhiệt và dừng ở 64 tỉ đồng tính đến hiện nay. Còn Bẫy ngọt ngào (hậu truyện của web-drama Chiến dịch chống ế 7 năm trước) có chất lượng khá với màu sắc hiện đại nhưng cũng bị cho là “câu chuyện hào nhoáng và thiếu chiều sâu” khi mọi tình tiết, cách dẫn chuyện và cả cú lật cuối phim đều dễ đoán.
Hai bộ phim có màu sắc tâm linh - kinh dị Người lắng nghe và Bóng đè đang chiếu rạp cũng kém thu hút khán giả khi nhập nhằng giữa thể loại kinh dị và tâm lý, chông chênh trong cách chọn thể hiện yếu tố nghệ thuật hay thương mại, nghèo nàn trong cách thể hiện loạt chi tiết “gặp ma”, nên khó thành công về mặt doanh thu, bằng chứng là vé bán không được nhiều, doanh thu hiện đang rất thấp. Phim Người tình với sự trở lại của đạo diễn Lưu Huỳnh cũng không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức điện ảnh thời nay của khán giả (phim quay cách đây 5 năm) từ cốt truyện, lời thoại, dàn dựng, diễn xuất…
Có thể nói, chính chất lượng phim Việt không đủ hay để lôi kéo khán giả là nguyên nhân dẫn tới doanh thu sụt giảm mạnh. Nhiều khán giả lẫn giới chuyên môn đã phải kêu lên: Đừng để khán giả mất niềm tin vào chất lượng phim Việt mà quay lưng khi nghe rủ đi xem phim Việt ở rạp. Hiện tại, mùa dịch vắng khán giả, nhà sản xuất đang có tâm lý lo lắng không biết khán giả có đến kín rạp phim không, nên họ ngại bỏ vốn lớn, sợ vé bán không đủ chi phí sản xuất; để rồi phim thiếu đầu tư, chất lượng kém thi nhau ra mắt và khán giả xem xong lại ngán ngẩm phim Việt. Vòng tròn luẩn quẩn đó sẽ lặp lại tiếp tục nếu không có sự thay đổi. Xin các nhà sản xuất - đạo diễn hãy luôn nhớ cho một điều: Làm phim hay mới có khán giả!
Bình luận (0)