Tôi ngồi trong gian quán cà phê nhỏ, nghe hơi thở đất trời vào xuân. Nhìn ra con phố, bên kia đường mấy chùm hoa đã nở. Chợt nhớ mùa xuân Tân Hợi 1971 được mẹ sắm cho bộ veston nho nhỏ, có thêu hai chú thỏ xinh xinh ngậm củ cà rốt. Được ba dắt đi mừng tuổi xóm giềng ở cái thị xã Quảng Trị nhỏ bé, hai cái túi áo vét nhỏ ních đầy nào là hạt dưa và những viên kẹo gói trong giấy kiếng đủ màu. Bước qua năm sau, là bắt đầu phiêu dạt vì chiến tranh, dài theo một quãng đời tuổi nhỏ. Ôi, những cái tết chẳng chút bình yên, vì dồn dập bao bản tin chiến sự!
Phố xuân ngồi hoài niệm, nhưng cái chộn rộn của những ngày giáp tết cứ như vừa bắt người ta phải bị cuốn theo, ngay cả dòng suy nghĩ, rằng tết này đi đâu làm gì gặp ai mua sắm ra sao, vừa bắt phải ngược dòng thời gian nhìn lại một năm. Những buồn vui trong đời, ví như chút sóng cồn rồi lặng lẽ nhẹ nhàng như đôi khi cũng cần có chút lơ đễnh, cho nhẹ người. Những gam màu sáng tối là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi tổng kết một năm, và để hy vọng nhìn về tương lai.
Ngày giáp tết thường khiến người ta liên tưởng đến hoa. Hoa tàn rồi hoa nở, đông qua rồi xuân đến. Càng thấm hơn khi nhớ lại Mãn Giác thiền sư đã từng nhắc người đời rằng “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai). Với mùa xuân, thì sự mong muốn trỗi dậy của mầm cây mới, của búp hoa đầy sức sống luôn đồng hành với sự hy vọng. Bởi lẽ ấy, trên những nẻo phố xuân, khi tôi đi qua, thỉnh thoảng vẫn vọng lại trong đầu câu hát “Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối. Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời” (Sài Gòn mùa xuân - Trịnh Công Sơn).
Một cái tết nữa lại về, rồi những mùa xuân cũng sẽ đi qua. Nhưng dường như sự nối tiếp ấy hiện diện trong khoảnh khắc đêm giao thừa, mấy ai quên được. Vậy là mỗi người đều tự thưởng cho mình những giây phút thong dong nghỉ ngơi với hoa trái bánh mứt. Để rồi sau đó, lại tiếp tục một năm mới với mong muốn an hòa, mọi sự hanh thông suôn sẻ...
Bình luận (0)