Phó bí thư Hà Nội: 'Đầu ra metro là đầu vào xe buýt, không thì vẫn tắc'

01/07/2024 21:10 GMT+7

Theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, khi xây dựng đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (metro) giai đoạn 2024 - 2045 phải đảm bảo 'đầu ra' của metro phải là 'đầu vào' của xe buýt, không thì 'tắc vẫn cứ tắc'.

Ngày 1.7, thừa ủy quyền của UBND TP.Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường trình HĐND thành phố đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống metro giai đoạn 2024 - 2045.

Phó bí thư Hà Nội: 'Đầu ra metro là đầu vào xe buýt, không thì vẫn tắc'- Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư cùng hàng loạt chính sách để phân cấp, phân quyền nhằm hiện thực hóa gần 600 km metro

KHẮC HIẾU

Trong đề án, thành phố đề xuất giai đoạn 2024 - 2030 hoàn thành 96,8 km metro, gồm tuyến số 22, tuyến số 33 và tuyến số 5. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vốn xây dựng các dự án này vào khoảng 14,6 tỉ USD.

Giai đoạn 2031 - 2035, TP.Hà Nội dự kiến hoàn thành 301 km metro, gồm tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 22,5 tỉ USD.

Trong giai đoạn 2036 - 2045, thành phố sẽ hoàn thành hơn 200 km metro các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch thủ đô và Quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,2 tỉ USD.

Về phương án huy động vốn, từ nay đến năm 2035, thành phố dự kiến cần T.Ư hỗ trợ khoảng 8,614 tỉ USD. Giai đoạn sau năm 2035, thành phố chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến metro bổ sung.

Để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, UBND TP.Hà Nội đề xuất phương án nhà đầu tư tư nhân được nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, được tham gia đầu tư, phát triển các dự án được quy hoạch.

Về phương án lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống metro, thành phố đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và những thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.

Phó bí thư Hà Nội: 'Đầu ra metro là đầu vào xe buýt, không thì vẫn tắc'- Ảnh 2.

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (đại biểu tổ H.Chương Mỹ) phát biểu thảo luận tại tổ chiều 1.7

KHẮC HIẾU

Nêu ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho rằng việc đảm bảo tiến độ xây dựng gần 600 km metro như trong quy hoạch là một "thách thức rất lớn" đối với thành phố. Ngoài ra, để huy động khoảng 50 tỉ USD để hoàn thiện quy hoạch đường sắt thủ đô cũng cần quyết tâm rất lớn. Bởi lẽ, hơn 10 năm qua, Hà Nội chỉ xây dựng được 2 tuyến đường sắt đô thị theo đoạn, là Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông.

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội, cho rằng, nếu làm tổng thể các tuyến đường sắt đô thị như quy hoạch sẽ tiết kiệm ngân sách trong quá trình đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình vận hành.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, việc xây dựng đề án đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống metro là rất cần thiết. Bởi lẽ, "đầu ra" của đường sắt đô thị là "đầu vào" của xe buýt và ngược trở lại. Phải có đánh giá kết hợp nếu không "tắc vẫn cứ tắc".

"Hiện nay, Hà Nội mới chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động, nhưng khi người dân đi đến các nhà ga thì nếu không có xe buýt kết nối đến những địa điểm khác, gây nhiều khó khăn", bà Tuyến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.