Phổ biến tại chiến trường Ukraine nhưng liệu UAV có sớm 'hết thời'?

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
03/07/2024 13:00 GMT+7

Nhiều loại vũ khí chủ lực trong lịch sử từng có một giai đoạn hoàng kim, trước khi dần mờ nhạt do sự phát triển của các biện pháp đối phó.

Sức ảnh hưởng rất lớn của máy bay không người lái (UAV) tại chiến trường Ukraine là điều được nhiều người đồng tình. Một số nhà phân tích cho rằng nó đã thay đổi vĩnh viễn diện mạo chiến tranh, khi khiến các lực lượng thiết giáp và vũ khí truyền thống trở nên lỗi thời.

Tuy nhiên, tướng Pierre Schill, Tham mưu trưởng lục quân Pháp, có quan điểm khác. Tại triển lãm quốc phòng Eurostat ở Paris (Pháp) ngày 19.6, ông cho rằng lợi thế từ những UAV cỡ nhỏ tại Ukraine sẽ không tồn tại lâu, khi sự phát triển của khoa học và chiến thuật sẽ sớm xóa nhòa những ưu điểm của loại vũ khí này.

Phổ biến tại chiến trường Ukraine nhưng liệu UAV có sớm 'hết thời'?- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra UAV "Cá mập", do một công ty tại Ukraine sản xuất, hồi tháng 10.2023

REUTERS

Ông Stuart Crawford, cựu sĩ quan Lục quân Anh và hiện là nhà phân tích quốc phòng, cũng có quan điểm tương tự. Theo chuyên gia này, UAV đang thành công trên chiến trường Ukraine nhờ yếu tố bất ngờ và khai thác được những điểm yếu chiến thuật, khi các bên ban đầu chưa thực sự chuẩn bị biện pháp đối phó hiệu quả.

Đưa UAV "vào tầm ngắm"

Giờ đây, khi mọi người đều đã nhận thức rõ về sự nguy hiểm của UAV, các giải pháp công nghệ được phát triển để ứng phó hiệu quả chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tướng Pháp nói UAV nhỏ sẽ mất lợi thế trên chiến trường

Một số nhà báo chuyên về mảng quân sự ủng hộ quan điểm của các ông Crawford và Schill, với dẫn chứng là UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Khi mẫu UAV này bắt đầu được Ukraine triển khai trên chiến trường vào những ngày đầu của cuộc xung đột cho nhiệm vụ trinh sát và tấn công, lực lượng Nga dường như không có biện pháp đối phó.

Tuy nhiên không lâu sau đó, chúng bắt đầu bị tên lửa đất đối không của Nga bắn hạ. Bayraktar và các mẫu UAV tương tự, bao gồm dòng Kronshtadt Orion của Nga, gần như biến mất trên chiến trường.

Phổ biến tại chiến trường Ukraine nhưng liệu UAV có sớm 'hết thời'?- Ảnh 2.

UAV Bayraktar TB2 tại triển lãm hàng không và quốc phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021

REUTERS

Lúc này, sự tập trung được chuyển sang các UAV cỡ nhỏ, đặc biệt là những UAV tự sát. Chúng có giá thành rẻ, dễ sản xuất, có thể nhanh chóng phát hiện điểm tập kết của đối phương và đóng vai trò định vị để pháo binh có thể tấn công chính xác.

Những UAV tự sát có thể tấn công độc lập hoặc theo bầy đàn, và với khả năng mang các loại vũ khí đa dạng, chúng trở thành mối đe dọa nguy hiểm với các loại tăng thiết giáp, vốn trước đây chỉ lo ngại những loại vũ khí chống tăng.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp cải tiến những khả năng của UAV, song như mọi loại vũ khí và hình thái chiến thuật trong lịch sử, sẽ có những giải pháp khắc chế dù sớm hay muộn, và trường hợp của UAV cũng không ngoại lệ.

UAV Nga phóng lưới, tóm gọn UAV Ukraine

Giải pháp đối phó UAV

Ông Steve Brown, người từng là chuyên gia về đạn dược và sĩ quan xử lý bom mìn của quân đội Anh, đưa ra một số phương pháp đối phó với những đợt tấn công từ UAV hiện tại và tương lai.

“Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất” là ngạn ngữ được dùng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các học thuyết quân sự. Điều này cũng áp dụng trong giải pháp đối phó UAV bằng việc tập kích các nhà kho và địa điểm triển khai UAV.

Hồi tháng 4, Kyiv đã thực hiện cuộc tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở lắp ráp UAV Shahed tại thị trấn Yelabuga ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, cách biên giới với Ukraine hơn 1.200 km. Vào ngày 21.6, Ukraine được cho là đã đánh trúng một thao trường và nhà kho chứa UAV Shahed tại thị trấn Yeysk, vùng Krasnodar của Nga.

Trong trường hợp UAV của đối phương đã đến được tiền tuyến, các bên có thể tìm cách xác định vị trí các điểm phóng để tấn công bằng đạn pháo, tên lửa, bắn hạ khi chúng đang bay hoặc dùng các biện pháp đối phó điện tử để vô hiệu hóa hệ thống liên lạc và dẫn đường của UAV.

Các biện pháp điện tử bao gồm sử dụng công nghệ phát hiện UAV, gây nhiễu tần số vô tuyến, giả mạo tín hiệu GPS nhằm khiến UAV không thể hoạt động chính xác, hoặc công nghệ chiếm quyền điều khiển UAV.

Tăng cường phòng vệ cho xe tăng là giải pháp tình thế nhưng cũng phần nào chứng minh hiệu quả. Xe tăng “mai rùa” có thể là cải biến chống UAV mới nhất xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong khi đó, việc trang bị các “lồng thép” bao quanh xe tăng hoặc lắp trên nóc tháp pháo là phương pháp đã có từ lâu, nhằm đối phó với UAV hay các loại đạn chống tăng.

Phổ biến tại chiến trường Ukraine nhưng liệu UAV có sớm 'hết thời'?- Ảnh 3.

Những hình ảnh về xe tăng mai rùa trên chiến trường Ukraine

CHỤP MÀN HÌNH ARMY RECOGNITION

Một số mẫu xe tăng thế hệ mới đang được phát triển cũng tích hợp nhiều công nghệ điện tử và hệ thống phòng thủ giúp ứng phó trước mối đe dọa từ UAV.

Theo các chuyên gia, thời kỳ hoàng kim mà các UAV thống trị chiến trường có thể sẽ qua, song không đồng nghĩa loại vũ khí này sẽ hoàn toàn biến mất. Quân đội các nước và những nhà thầu quốc phòng có thể cho ra nhiều ý tưởng thiết kế nhằm tận dụng hiệu quả những điểm mạnh của UAV. Chẳng hạn, Công ty Rheinmetall của Đức mới đây giới thiệu bệ phóng UAV được thiết kế như thùng container, chứa 126 ống phóng UAV tự sát dòng Hero của Israel - có tầm hoạt động 60 km và có thể giúp đơn vị sở hữu áp đảo những hệ thống phòng không.

Chiến trường tại Ukraine có thể là bài học để giới quân sự đưa ra những đánh giá về năng lực của UAV, từ đó áp dụng vào những dự án phát triển vũ khí và chiến thuật trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.