Phổ cập chữ ký số

07/06/2023 04:15 GMT+7

Chính quyền TP.HCM sẽ cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trong 1 năm, đến hết tháng 6.2024, là một bước tiến lớn để "bình dân hóa" một sản phẩm công nghệ được khẳng định nhiều tính ưu việt.

Nói "bình dân hóa" bởi lẽ hiện 70% đối tượng dùng chữ ký số là doanh nghiệp, trong khi cá nhân chỉ có khoảng 30% với hơn 400.000 chứng thư số, con số khá khiêm tốn tại đất nước 100 triệu dân.

Nhiều năm trước, khi các cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội yêu cầu dùng chữ ký số trong các thủ tục trực tuyến, không ít doanh nghiệp than phiền vì thấy rắc rối, phần nhiều vì chưa quen. Ngay cả ở cơ quan hành chính, việc sử dụng chữ ký số trong quy trình nội bộ đơn vị, hoặc liên thông với các sở, ngành cũng không hẳn trơn tru ngay từ đầu. Nhưng khi quen rồi, thì tiện lợi không ngờ.

Chánh văn phòng một quận trung tâm TP.HCM dẫn chứng như gửi lệnh chi ra kho bạc, chỉ cần cắm USB vào máy rồi ký trên hệ thống, kho bạc giải quyết xong sẽ gửi e-mail thông báo nội dung giao dịch. Chữ ký số thể hiện đầy đủ ngày tháng, chi tiết đến từng giây mà người sử dụng thực hiện thao tác ký. An toàn, xác thực, toàn vẹn và chống chối bỏ là các yếu tố được đảm bảo trong các giao dịch trên môi trường số. Khi ký số rồi, các cơ quan hành chính cũng tiết kiệm được nhiều chi phí giấy, mực, công in ấn tài liệu, lưu trữ, chuyển công văn đi, nhận công văn đến…

Chữ ký số chưa được người dân sử dụng nhiều vì phần lớn họ chưa biết đến. Trong tiến trình chuyển đổi số, người dân không chỉ là mục tiêu phục vụ mà còn trở thành nhóm khách hàng tiềm năng của các đơn vị cung cấp chữ ký số công cộng. Chỉ riêng tại TP.HCM, chính quyền tiếp nhận, giải quyết hơn 22,3 triệu hồ sơ trong năm 2022 đủ nói lên sự hấp dẫn của thị trường này lớn cỡ nào.

Muốn bán được sản phẩm thì phải tiếp thị, giảm giá, thậm chí miễn phí trong thời gian nhất định. Hiện có 7 tổ chức miễn phí chứng thư số cá nhân cho người dân khi nộp hồ sơ trực tuyến, bên cạnh sự đa dạng gói cước, tính phí theo lượt sẽ giúp tăng mức độ phổ cập chữ ký số đến cộng đồng. Khi một hợp đồng, một giao dịch, một thủ tục được thực hiện từ xa mà giá trị pháp lý được đảm bảo thì cả 2 bên sẽ tiết giảm được chi phí đi lại, gặp gỡ trực tiếp để ký kết. Do vậy, trả phí dịch vụ là điều có thể chấp nhập được. Không thể đòi hỏi một sản phẩm công nghệ miễn phí cho những yêu cầu rất cao về sự tiện lợi và tính an toàn, bảo mật.

Cùng với định danh điện tử, chữ ký số sẽ giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt, thúc đẩy kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới một xã hội không giấy tờ. Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng nói mục tiêu của TP.HCM là "đưa chữ ký số đến gần với người dân hơn, để người dân hiểu và sử dụng chữ ký số nhiều hơn". Việc cấp miễn phí chữ ký số mới chỉ là bước đầu tiên, còn để người dân sử dụng nhiều hơn thì chính quyền, các tổ chức cần cung cấp thêm nhiều tiện ích để việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhanh chóng, thuận tiện hơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.